Nếu buông lơi chỉ một lúc, ‘cánh đồng trũng’ Việt Nam sẽ bị các đợt sóng COVID-19 tràn vào

Ban Thời sự VTV-Thứ bảy, ngày 24/04/2021 12:00 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam hiện được ví như "cánh đồng trũng", bên trong bình lặng nhưng bên ngoài các đợt sóng COVID-19 không ngừng dâng cao, nước có thể tràn đồng bất cứ lúc nào.

Hơn 1 năm trôi qua, dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu. "Bao đê cho chặt", bảo đảm an toàn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở ngay các nước lân cận, có số lượng người Việt sinh sống và làm việc đông như Campuchia, Lào.

Tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Campuchia đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm hàng ngày trong những ngày qua đều ở mức cao. Theo Bộ Y tế Campuchia, số ca lây nhiễm mới là 655 trường hợp, trong đó thủ đô Phnom Penh là một trong những ‘điểm nóng’. Chính phủ Campuchia đã quyết định đóng cửa thủ đô Phnom Penh và ra lệnh cấm đi lại giữa một số tỉnh.

Đối với cộng đồng người Việt ở Campuchia, có hơn 10 người nhiễm COVID-19 tuy nhiên đều đã được chữa khỏi. Ngoài ra, có khoảng 100 người Việt sang Campuchia làm việc nhiễm COVID-19 cũng được điều trị khỏi và đưa trở về nước.

Nếu buông lơi chỉ một lúc, ‘cánh đồng trũng’ Việt Nam sẽ bị các đợt sóng COVID-19 tràn vào - Ảnh 1.

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trong những ngày qua, nhiều người Việt ở Campuchia đã tìm cách trở về nước và đây là nguồn lây nhiễm đáng lo ngại trước tình trạng nhập cảnh chui ở các tỉnh giáp ranh với biên giới Campuchia.

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá: "Hiện diễn biến ở các nước láng giềng diễn biến phức tạp. Dù Việt Nam đã có 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn có những ca mắc mới nhập cảnh. Việt Nam đứng trước nguy cơ cao trước các đợt sóng lây nhiễm COVID-19 mới".

Nếu buông lơi chỉ một lúc, ‘cánh đồng trũng’ Việt Nam sẽ bị các đợt sóng COVID-19 tràn vào - Ảnh 2.

Ông Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế

Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế nhìn nhận, trước đây, trong đợt COVID-19 đầu tiên, chúng ta có đường biên giới dài, nhưng chủ yếu trên bộ bởi khi đó ta đã cấm đường hàng không. Theo đó, chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình. Trong đợt lây lan COVID-19 sau đó từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, chủ yếu các ca mắc đều di chuyển qua đường hàng không nên chúng ta cũng đã cách ly tất cả các trường hợp dương tính, truy vết và khống chế dịch.

"Tuy nhiên, lần này, chúng ta có đường biên giới với Campuchia dài, đường bộ và đường biển khá khó kiểm soát. Người dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở Campuchia nhiều, khả năng kiểm soát dịch của Campuchia chưa thật sự tốt, việc phối hợp với nước bạn cũng gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn dịch. Việt Nam cần chủ động đối phó với tình hình dịch hiện nay", ông Trần Đắc Phu cho hay.

Nếu buông lơi chỉ một lúc, ‘cánh đồng trũng’ Việt Nam sẽ bị các đợt sóng COVID-19 tràn vào - Ảnh 3.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc - Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng

Sau chuyến đi công tác dọc các tỉnh biên giới để kiểm tra việc phòng chống dịch, Thiếu tướng Lê Văn Phúc - Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng cho biết: "Bộ đội Biên phòng đã duy trì 622 tổ chốt trên 3.794 cán bộ chiến sĩ gồm lực lượng biên phòng, công an, dân quân; trong đó riêng lực lượng biên phòng là 2.500 đồng chí. Hiện chúng tôi tăng cường 689 đồng chí và 15 chó chiến đấu, 1 tàu tại các tỉnh biên giới Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang. Đây là các lực lượng ở tuyến biển, tuyển phía sau, để tăng cường cho tuyến trước.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các Quân khi V, VII, IX và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh để tăng cường các tỉnh trọng điểm.

Chúng tôi cũng phối hợp với các lực lượng phân luồng, đưa các đối tượng nhập cảnh trái phép đi cách ly với trên 71.000 người. Đây là số lượng rất lớn. Cùng với đó, chúng tôi tuyên truyền cho người dân không tiếp tay cho các tổ chức, đường dây xuất nhập cảnh trái phép, tố giác và cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để xử phạt, ngăn chặn".

Trong 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận thêm 655 ca lây nhiễm mới - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số này, có 1 ca "nhập cảnh", còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 8.848 người, trong đó 8.301 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 61 người.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 xác nhận có thêm 65 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, bao gồm 60 ca ở thủ đô Vientiane, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo và 1 ca ở tỉnh Vientiane. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 159 ca mắc COVID-19, không có ca nào tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 20 ngày đầu tháng 4, thủ đô Vientiane đã có tới hơn 90 ca lây nhiễm trong cộng đồng, cho thấy tình hình COVID-19 tại Lào đang ở giai đoạn rất căng thẳng, đặc biệt là trong những ngày tới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước