Nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 31/05/2024 09:00 GMT+7

VTV.vn - Trên đường cao tốc, các xe được lưu thông với tốc độ cao, khi lái xe thiếu ý thức tuân thủ luật, nguy cơ xảy ra tai nạn càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng hơn.

Ý thức lái xe trên cao tốc

Thời gian gần đây, trên các tuyến cao tốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân do làn đường cao tốc còn hẹp, chưa có hệ thống giám sát tốc độ, chưa có làn dừng khẩn cấp…, nhưng có một nguyên nhân không nhỏ là ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe còn kém. Đường cao tốc là loại hình giao thông hiện đại và văn minh đòi hỏi người đi trên cao tốc phải có kỹ năng, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành, nếu không hậu quả nhiều khi sẽ rất nghiêm trọng.

Xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc; xe máy cũng đi ngược chiều trên cao tốc; đang đi, bỗng chuyển làn bất ngờ; dừng đỗ ngang nhiên để đón khách rồi nhập làn đột ngột; cùng một lúc chiếm 2 làn đường khiến không xe nào vượt được; đi hẳn sang làn đường ngược chiều để vượt lên trước; 2 xe dàn hàng ngang khiến hàng dài các xe đi sau không thể vượt nổi; hay hiện tượng các xe ngang nhiên đi vào làn khẩn cấp thường xuyên đến mức người ta tưởng rằng đó là đương nhiên.

Mỗi ngày trên cao tốc liên tiếp những chuyện trái tai gai mắt xảy ra, khiến những người tham gia giao thông ngao ngán.

Nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc - Ảnh 1.

Khi đi trên cao tốc, lái xe phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và sự tập trung... (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Đường cao tốc nghĩa là các xe được lưu thông với tốc độ cao, khi lái xe thiếu ý thức tuân thủ luật, nguy cơ xảy ra tai nạn càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên nhiều lái xe vẫn bất chấp, đi trên cao tốc nhưng hành xử như đi xe máy trong nội đô.

Khi đi trên cao tốc, lái xe phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và sự tập trung..., có như vậy mới đảm bảo an toàn, trước tiên là cho chính bản thân mình.

Nâng cao ý thức lái xe trên cao tốc

Khi lái xe trên đường, có những hành vi tuy không mấy khi bị xử phạt, nhưng lại thể hiện thói quen xấu. Chẳng hạn, lái xe bám làn trái cao tốc để đỡ phải tăng giảm tốc độ, đỡ phải quan sát cả hai bên. Việc lái xe như vậy rõ ràng thể hiện sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, mặc kệ các xe khác. Trong khi nếu xảy ra sự cố, rủi ro họ gặp phải là cao nhất.

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc phân kỳ đầu tư.

Các cơ sở đào tạo lái xe phải đảm bảo thực hiện đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định trong đó có: chương trình hướng dẫn các bước thực hiện khi lái xe trên đường cao tốc và xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra; sử dụng thiết bị mô phỏng để học các kỹ năng và xử lý tình huống khi điều khiển xe trên đường cao tốc, giáo trình sao cho trực quan, dễ hiểu giúp học viên ghi nhớ, thực hành đầy đủ các thao tác.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở giao thông vận tải tuyên truyền các kiến thức về tham gia giao thông an toàn, tuân thủ các quy định và xử lý tình huống khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc.

"Có những nhóm giải pháp liên quan đến quản lý về mặt thực thi pháp luật, ví dụ như giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm và xử phạt. Từ kết quả xử phạt đó, chúng ta truyền thông để cho càng nhiều người nhận thức ra được những hành vi, rủi ro, hậu quả có thể mang lại khi chúng ta vi phạm các quy tắc; có giải pháp liên quan đến giáo dục trong trường học thì hiện nay đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thực hiện rất tốt bằng việc lồng ghép các nội dung về giáo dục an toàn giao thông, trong đó có nội dung về cao tốc trong chương trình chính khóa ở các cấp học. Tất nhiên là phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của học sinh", ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết.

Nhật Bản chú trọng giáo dục an toàn giao thông

Nhìn nhận vấn đề này trên thế giới, như Nhật Bản chẳng hạn. Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, sự gia tăng chóng mặt các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc đã khiến Nhật Bản trở thành nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao hàng đầu thế giới. Bất kể sự hoàn thiện của hệ thống tín hiệu, biển báo và luật giao thông, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn không giảm, buộc chính phủ Nhật Bản phải thay đổi cách tiếp cận, đưa việc giáo dục ý thức lên hàng đầu. Sau một thời gian tập trung vào các phương thức giáo dục ý thức, số vụ tai nạn đã giảm đáng kể.

Ý thức và kiến thức về an toàn giao thông của người dân luôn được chính phủ Nhật Bản quan tâm hàng đầu.

Bộ Giáo dục nước này đã yêu cầu các trường học đưa nội dung an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy.

Để hỗ trợ nỗ lực này, những công viên giao thông cũng được mở trên khắp Nhật Bản. Những công viên này được thiết kế với nhiều vật liệu trực quan bao gồm đèn giao thông và biển báo có thể di chuyển được.

Bên cạnh đó, học sinh tại Nhật Bản còn được thực hành lái xe thật tại các trường lái. Các em học cấp 2, cấp 3 được lái xe go-kart (một loại ô tô thu nhỏ, có gắn động cơ chạy xăng).

Trong quá trình học thực hành, các bậc phụ huynh có thể lái xe bên cạnh con mình để chỉ dẫn giao thông cho các bé. Nhờ cách làm đó, cả gia đình được học an toàn giao thông cùng nhau.

Ở Việt Nam, sự phát triển hạ tầng đường cao tốc những năm gần đây rất ấn tượng. Với phương châm "giao thông đi trước mở đường", mục tiêu tới năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc. Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể rút ra một số quy tắc căn bản khi lái xe trên cao tốc như: tôn trọng làn vượt, tôn trọng tốc độ theo làn, nguyên tắc nhập làn; đặc biệt, luôn tuân thủ các quy tắc giao thông cùng thái độ ứng xử chuẩn mực trên đường, nhờ đó mới có thể giảm tỷ lệ tai nạn, đảm bảo an toàn cho bản thân và các xe khác trên cao tốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước