Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tinh thần "Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm" trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Tinh thần này đã được nhiều địa phương thực hiện linh hoạt, khẩn trương, đặc biệt qua việc ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả giám sát và đẩy nhanh tiến độ.
Tại xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, bà Dương Thị Kim ở tuổi ngoài 60 vẫn không giấu được niềm vui khi lần đầu tiên có một mái nhà vững chãi cho mình. "Khỏe thì không sao, nhưng ốm đau thì không thể nói hết khó khăn. Giờ có nhà đẹp, đây là hạnh phúc không gì sánh bằng", bà Kim chia sẻ.
Ngôi nhà của bà Kim là 1 trong 3 ngôi được xây mới, sửa chữa theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã sau khi chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, thẩm định trong số 25 trường hợp thôn xóm đề xuất.
Đảm bảo công tác rà soát, đánh giá, thẩm định, đúng người, đúng đối tượng… việc công khai, minh bạch các trường hợp được hỗ trợ cũng như cập nhật tiến độ xây dựng, sửa chữa của mỗi công trình không chỉ trong phạm vi một xã riêng lẻ cũng là vấn đề được đặt ra trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Cập nhật trực tiếp các hồ sơ nhà cần sửa chữa, xây mới, hiện trạng cũng như tiến độ triển khai của các địa phương theo thời gian thực để Ban chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đều có thể nắm được.
Hiện, mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là đến 31/3/2025 sẽ hoàn thành việc xây mới, sửa chữa cho hơn 1000 căn nhà. Và trong ba tháng tiếp theo sẽ hoàn thành nốt việc hỗ trợ cho gần 600 trường hợp còn lại, hoàn tất việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!