Nan giải tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/11/2023 05:54 GMT+7

VTV.vn - Trốn đóng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều năm qua, tình trạng này vẫn không cải thiện.

Người lao động đi làm, ngoài việc lĩnh lương trang trải cuộc sống hàng ngày, họ còn trông đợi vào số tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để tuổi già có thể an tâm phần nào với đồng lương hưu. Nhưng quyền lợi của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng.

Nan giải tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Số tiền nợ BHXH rất lớn của một số năm gần đây.

Hiện cả nước có gần 2,8 triệu lao động bị nợ đọng, trốn đóng BHXH, trong đó có tới hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH khó đòi. Nợ BHXH vẫn là thực trạng nhức nhối từ năm này qua năm khác. Trong khi, theo quy định pháp luật, đóng BHXH là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Hiện, một số tỉnh, thành đã lập đoàn thanh tra liên ngành, thực hiện cao điểm thanh kiểm tra xử lý các vi phạm về BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3 đoàn thanh tra liên ngành đã được Hà Nội thành lập, tiến hành kiểm tra tại 20 đơn vị chậm đóng BHXH. Qua kiểm tra, phát hiện có doanh nghiệp chỉ có 6 người thôi mà nợ BHXH từ 2017 đến nay với số tiền là 700 triệu đồng. Khi đoàn liên ngành tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính chậm đóng BHXH thì công ty đã không phối hợp và để đoàn tự ngồi ở văn phòng và tự lập biên bản.

Nan giải tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Đoàn thanh tra liên ngành của Hà Nội bị bỏ mặc và tự lập biên bản khi đi kiểm tra tình hình đóng BHXH ở một doanh nghiệp.

Nan giải tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 3.

Với các đoàn thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chậm đóng BHXH thì tình hình cũng tương tự. Từ đầu năm đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập nhiều đoàn thanh tra để đôn đốc, xử lý các trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH. Sau kiểm tra, nhiều đơn vị mới cam kết lộ trình đóng bảo hiểm, ưu tiên tách đóng cho một số trường hợp để người lao động kịp thời hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản.

Với sự vào cuộc của các đoàn thanh tra, đến đầu tháng 6 năm nay, đã giải quyết các chế độ cho 81 nghìn người trên tổng số hơn 200 nghìn người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp chậm hoặc nợ đóng BHXH.

Chính sách BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Khoản tiền đóng BHXH có thể coi là "của để dành" quý giá của người lao động, cũng là số tiền tích lũy của họ khi về già để trang trải cuộc sống. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này với quan điểm, mục tiêu là mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Như vậy, một mặt chúng ta đang tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội… thì cũng cần những giải pháp hiệu quả, làm sao để đủ nghiêm minh và răn đe doanh nghiệp không dám chậm đóng BHXH, chấm dứt tình trạng nợ đọng BHXH. Có như vậy, lưới an sinh xã hội mới được đảm bảo và bền vững.

Nan giải tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 4.

Cùng trao đổi về vấn đề này với bà Nguyễn Thị Hồng Diệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước