5 nhóm hành vi cụ thể gồm: nồng độ cồn, ma túy; quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng xe; tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Đối với vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, trên cơ sở điều tra cơ bản sẽ xây dựng kế hoạch, phương án bố trí, huy động lực lượng cụ thể trên từng tuyến, địa bàn quản lý, đảm bảo nguyên tắc phải khép kín tuyến, địa bàn. t
Thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, bố trí lực lượng sử dụng xe mô tô CSGT tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình quay đầu xe và rẽ vào đường ngang, ngõ tắt nhằm trốn tránh việc kiểm tra.
Bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên tuyến. Đồng thời tổ chức xác minh các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định.
Lực lượng chức năng lập biên bản trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTXVN
Đối với chuyên đề chở hàng quá trọng tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe và chở quá vạch dấu mớn nước an toàn khi kiểm tra, phát hiện các thủ đoạn tự ý cải tạo phương tiện như lắp thêm hệ thống kích thủy lực nâng hạ thành thùng xe; sử dụng container cắt nóc để chở vật liệu xây dựng và lắp đặt thêm kết cấu nâng hạ container như xe tải tự đổ thì phải xác minh và xử lý đối với chủ phương tiện, cơ sở đóng mới, hoán cải; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền trong việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải, kiểm định phương tiện,…
Đối với chuyên đề vi phạm về tốc độ; vi phạm về tránh, vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tại trung tâm chỉ huy, giám sát 24/24h để nắm tình hình trật tự an toàn giao thông, rà soát kịp thời các phương tiện vi phạm để thông báo cho lực lượng CSGT công khai đang làm nhiệm vụ trên tuyến dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý.
Đối với các tuyến không được trang bị hệ thống giám sát tự động sẽ bố trí cán bộ hóa trang, mặc thường phục sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, sử dụng phương tiện CSGT hoặc cá nhân thường xuyên di chuyển trên tuyến ghi nhận các hành vi vi phạm để phát hiện, xử lý.
Đối với xử lý chuyên đề sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển và phương tiện khi có căn cứ xác định giấy tờ giả sẽ thiết thiết lập hồ sơ ban đầu chặt chẽ để bàn giao vụ việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền và phối hợp tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Cương quyết xử lý các hành vi vi phạm không có vùng cấm
Trên các tuyến giao thông đường thủy, tập trung xử lý các hành vi vi phạm về chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn kết hợp xử lý hàng hóa không hóa đơn, chứng từ; vi phạm về nồng độ cồn; chở quá số người quy định; vi phạm về hoán cải, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện; bãi tập kết hàng hóa, đón trả hành khách trái phép; khai thác, nạo vét cát, sỏi trái phép trên đường thủy.
Các tuyến giao thông đường sắt tập trung xử lý hành vi của nhân viên đường sắt, lái tàu vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm quy trình tác nghiệp; Người điều khiển phương tiện đường bộ qua đường ngang không chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường; dừng, đỗ, quay đầu xe trong phạm vi an toàn đường ngang. Thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông như vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp,…
Đại diện Cục CSGT cho biết việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập để kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo đảm TTATGT…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!