Mưu sinh trong làng tái chế rác lớn nhất Hà Nội

Thùy Linh, Trọng Đức-Chủ nhật, ngày 05/03/2023 22:38 GMT+7

VTV.vn - Ở đây, nhiều người dân xem việc thu gom phế liệu, rác có thể tái chế để bán là nguồn sống chính.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn (thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) đã có 49 năm kiếm sống nhờ rác. Con trai và con dâu bà Nhẫn cũng theo nghề nhặt phế liệu. Cả đời mưu sinh với rác, đến năm ngoái bà đã cất được căn nhà và vẫn còn nợ 700 triệu đồng. Vì thế, dù đang đau cột sống sau mổ, ở tuổi 69, bà vẫn chẳng nghỉ ngơi ngày nào.

Cũng như nhà bà Nhẫn, nhiều gia đình ở đây làm nghề tái chế rác. Rác ở đây cao ngút đầu người, nhà nào cũng vậy.

Nghĩa trang thôn Xà Cầu là nơi tập kết phế liệu. Bà Nguyễn Thị Sơn ngồi ngay cổng nghĩa trang nhặt rác, không quản nắng mưa. Rác hàng ngày vẫn được tập kết về đây, sát các ngôi mộ vì bà con cũng chẳng còn cách nào khác.

Không chỉ rác, người dân còn phải sống chung với tiếng ồn. Suốt từ sáng đến chiều là tiếng băm chặt nhựa và cả trăm chiếc máy nghiền nhựa hết công suất.

Ông Trần Văn Tài - Trưởng thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội - chia sẻ: "Băm xay ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước. Nước thải bà con sử dụng không có nơi xử lý nên chảy qua cống rãnh trong làng, trong xóm nên môi trường không được đảm bảo".

Con kênh Bắc Quảng Hoa từ lâu đã trở thành con kênh chết. Chẳng tôm cá nào có thể sống nổi với dòng nước đen này.

Mỗi năm, làng thải ra đến hơn 100 tấn rác từ việc tái chế rác. Bức xúc với ô nhiễm, người dân làng tự nguyện góp tiền thuê gom công ty trung chuyển rác.

Về phần mình, chính quyền địa phương đã quy hoạch cụm công nghiệp Xà Cầu. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với 20 hộ dân di chuyển vào sản xuất. Giai đoạn 2 đến nay đã gần giải phóng mặt bằng xong.

Ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội - cho biết: "Tập trung làm sao để sớm hoàn thành đưa cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn 2 vào để cho nhân dân có điều kiện để đăng ký để vào sản xuất, ưu tiên những hộ sản xuất kinh doanh bà con nhân dân thôn Xà Cầu".

Thế nhưng không phải ai cũng có thể nộp vài trăm triệu đến cả tỷ để có vị trí trong khu công nghiệp. Trong khi tất cả chỉ muốn thoát ra khỏi rác thải và tiếng ồn.

Vậy nên bà Sơn cũng như nhiều người lại đành chấp nhận hàng ngày ra nghĩa trang mưu sinh cùng rác.

Một ngày lại bắt đầu với những chuyến xe chở rác tấp nập, chỉ là rác lại về nhiều hơn hôm qua...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước