Muôn nẻo khó khăn của những nhà sáng chế nông dân đi đăng ký bản quyền

Hải Yến, Vương Cơ-Thứ năm, ngày 17/12/2020 12:02 GMT+7

VTV.vn - Có một số ít những nhà sáng chế nông dân chưa có nhiều thông tin về đăng ký bản quyền, thậm chí họ còn khá lạ lẫm.

Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 30.000 văn bằng, bảo hộ các sản phẩm sáng chế, giải pháp hữu ích cho các tác giả. Một trong số những nhà sáng chế tích cực là của những người nông dân. Tuy nhiên, có một số ít những nhà sáng chế nông dân chưa có nhiều thông tin về đăng ký bản quyền, thậm chí họ còn khá lạ lẫm.

Nhà sáng chế nông dân lạ lẫm với đăng ký bản quyền

Chiếc máy thái bèo được ông Lĩnh tạo ra từ 20 năm trước và cũng là sản phẩm khởi nghiệp của gia đình ông. Những ngày đầu, gia đình ông Lĩnh sản xuất vài chục cái phục vụ bà con trong làng. Đến nay, mỗi năm, gia đình ông sản xuất hàng chục nghìn cái bán trong nước và xuất đi nước ngoài. Nhưng đến tận bây giờ ông Lĩnh mới quan tâm tới vấn đề bản quyền.

"Khi sáng chế chỉ biết cắm đầu nghĩ ra sản phẩm, đến lúc nó lớn lên rồi mình mới giật mình suy nghĩ sản phẩm của mình thành hàng hóa thì mới nghĩ tới vấn đề bản quyền" - ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Thụy, Thái Bình) nói về lý do sau 20 năm mới nghĩ đến bản quyền sáng chế.

Muôn nẻo khó khăn của những nhà sáng chế nông dân đi đăng ký bản quyền - Ảnh 1.

Còn với ông Ngô Văn Đỉnh (76 tuổi) - người sáng chế ra một thiết bị chăm sóc sức khỏe hơn 10 năm nay, ông vẫn ngày ngày ngồi tại căn phòng sáng chế của riêng mình. Tham gia các cuộc thi sáng chế và được công nhận sản phẩm tại Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh nhưng lý do mà ông quan tâm tới bản quyền sáng chế là vì có người hỏi mua bản quyền sản phẩm của mình với giá 2 tỉ đồng.

Cả ông Lĩnh, ông Đỉnh đều có lý do khi muốn đăng ký bản quyền sản phẩm của mình. Ông Lĩnh sợ có người đăng ký bản quyền trước sẽ quay ra bắt lỗi mình. Trong khi đó, ông Đỉnh muốn đăng ký để bảo vệ sản phẩm của mình, "có cái để lại cho con cháu" nhưng lại nghe nói phải tốn hàng trăm triệu đồng phí đăng ký bản quyền thì ông không biết lấy đâu ra tiền.

Muôn nẻo khó khăn của những nhà sáng chế nông dân đi đăng ký bản quyền - Ảnh 2.

Cần bao nhiêu tiền để đăng ký bản quyền sáng chế?

"Hết hàng trăm triệu để đăng ký một sản phẩm sáng chế" là thông tin hoàn toàn không chính xác. Số tiền mà người nông dân cần bỏ ra cho việc đăng ký bản quyền là rất nhỏ so với con số ấy.

Làm bằng bảo hộ sáng chế sẽ mất bao nhiêu tiền và trong thời gian bao lâu?

1.770.000 đồng là số tiền lệ phí tối thiểu để thực hiện các quy trình thẩm định cho sản phẩm sáng chế.

21 tháng là thời gian quy định để giải quyết đơn, nếu yêu cầu công bố sớm.

Và 37 tháng là thời gian quy định giải quyết, nếu không yêu cầu công bố sớm.

Khó khăn trong quá trình đăng ký bản quyền

Về mặt thủ tục, thời gian và chi phí đăng ký bản quyền sáng chế không phải là quá cao. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhà sáng chế nông dân vẫn gặp khó khăn trong suốt quá trình đăng ký bản quyền, đến mức mà nhiều nhà sáng chế bỏ qua việc đăng ký bảo hộ này.

Thay vì phải cấy lúa bằng tay, thay vì "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì nay mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với người nông dân với chiếc máy cấy lúa bằng điện do ông Trần Đại Nghĩa sáng chế. Đây là một trong 4 loại máy cấy lúa mà ông Nghĩa làm ra trong vài năm trở lại đây. Trong số đó, có 2 loại máy đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Thế nhưng, hành trình để được cấp bằng với ông Nghĩa cũng không hề đơn giản.

Muôn nẻo khó khăn của những nhà sáng chế nông dân đi đăng ký bản quyền - Ảnh 3.

Còn với anh Phương - người nông dân sáng chế ra chiếc máy đánh ngao, anh cũng gặp phải khó khăn khi mang sản phẩm đầu tiên của mình đi đăng ký bản quyền.

Sau vài lần đăng ký không thành công, ông Nghĩa phải mang cả chiếc máy cấy lúa của mình đến Cục Sở hữu trí tuệ vì không thể mô tả chính xác sản phẩm của mình. Anh Phương cũng chưa chứng minh được những hình ảnh máy đánh ngao xuất hiện trên mạng xã hội là của mình.

Muôn nẻo khó khăn của những nhà sáng chế nông dân đi đăng ký bản quyền - Ảnh 4.

Tại Cục Sở hữu trí tuệ có những hướng dẫn viên sẵn sàng trả lời giải đáp, đồng thời sẽ hướng dẫn cách làm hồ sơ cho các nhà sáng chế. Từ đó sẽ tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải trong thời gian vừa qua.

Quy trình đăng ký bản quyền sản phẩm:

1. Nộp đơn

2. Thẩm định hình thức trong 1 tháng

3. Công bố đơn

4. Thẩm định nội dung

5. Cấp văn bằng bảo hộ

Những người nông dân vốn gắn bó với công việc đồng áng, những sản phẩm sáng chế sáng tạo cũng ra đời từ chính đời sống lao động nên có tính thực tiễn cao, phục vụ cho chính công việc của nhà nông. Những nhà sáng chế nông dân vẫn tiếp tục sáng chế, sáng tạo ra những công cụ và máy móc phục vụ cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Nhưng nếu những khó khăn khi đăng ký bản quyền sáng chế không được giải quyết, khi những sáng chế không được công nhận, hoặc thậm chí bị đánh cắp, có lẽ sẽ là không đúng trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ và sự sáng tạo luôn được đề cao.

Biểu dương người sáng chế máy phát gạo tự động Biểu dương người sáng chế máy phát gạo tự động Nhiều sáng chế phòng chống dịch COVID-19 của sinh viên, công nhân Nhiều sáng chế phòng chống dịch COVID-19 của sinh viên, công nhân Nhà sáng chế của bà con nông dân Nhà sáng chế của bà con nông dân

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước