Thời gian qua, dư luận xã hội xôn xao về thông tin Trường Đại học Tôn Đức Thắng trả lương cho ông Lê Vinh Danh có sự chênh lệch lớn trong cách phân phối thu nhập của Hiệu trưởng và các giảng viên, nhân viên của Nhà trường, thậm chí có thông tin lên tới hơn 500 triệu đồng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/10, các phóng viên đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Nội vụ về quy định của pháp luật hiện nay đối với vấn đề lương tại các trường đại học cũng như tại Đại học Tôn Đức Thắng là như thế nào và việc trả lương cao cho ông Lê Vinh Danh và các trường khác có phù hợp hay không?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học nói riêng, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tự chủ về tổ chức bộ máy thì theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP vừa ký tháng 10 vừa rồi, còn tự chủ về nhân sự thì thực hiện theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng vừa mới ký.
Theo quy định như trên, đối với các đơn vị như Đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì đã có Nghị định 16 quy định rất chi tiết nguồn thu như thế nào. Còn Nghị định 15 hướng dẫn cụ thể nguồn chi như thế nào.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách tiền lương, những đơn vị sự nghiệp tự chủ, chi thường xuyên, chi đầu tư thì áp dụng cơ chế quản trị và trả lương như doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về thu chi trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã quy định rất rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết: "Mức cụ thể chi hợp lý hay không thì Bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ con số cụ thể, có phù hợp quy định theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không".
Trước đó, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng bị Đảng Ủy khối Đại học - Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kỷ luật cách chức về Đảng và chuyên môn do vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng và chấp hành các chỉ đạo của cấp trên.
Cũng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xem xét, xử lý kỷ luật được tiến hành nghiêm túc, công khai, công bằng, dân chủ, tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!