Mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch phải phù hợp với tình hình và minh bạch

PV (Theo TTXVN)-Thứ hai, ngày 01/11/2021 20:43 GMT+7

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

VTV.vn - Chiều 1/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Mới sử dụng 12,6% số kinh phí được bổ sung

Thông tin về tình hình công tác mua sắm trang thiết bị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tại một số thời điểm, một số mặt hàng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm rất khó khăn về nguồn cung; giá hàng hóa tăng cao đột biến nên khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức mua sắm. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... phải nhập khẩu dẫn tới chưa kịp thời, bị động, chi phí cao.

Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ"; có tâm lý e ngại, không chủ động thực hiện mua sắm. Cơ quan thanh tra, kiểm tra căn cứ giá nhập khẩu hải quan để xác định giá trị tài sản trang thiết bị; do đó, các đơn vị, địa phương lúng túng khi xác định giá kế hoạch của gói thầu, khi tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng cũng lo lắng giá này đã phù hợp với giá nhập khẩu chưa, trong khi không biết giá nhập khẩu là bao nhiêu.

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dự toán kinh phí cho Bộ Y tế để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch là 3.744,1 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí đã sử dụng là 474,3 tỷ đồng, đạt 12,6%. Riêng trong đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã bổ sung 3.427 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Bệnh viện Phổi Trung ương ký được một hợp đồng mua 400/1.120 chiếc máy thở chức năng cao với tổng trị giá hợp đồng là hơn 235,57 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu.

Bệnh viện K đã đề xuất mua một số trang thiết bị theo hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu và Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc áp dụng Điều 26 là không phù hợp và có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định từ Điều 21 đến Điều 25 Luật Đấu thầu.

Mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch phải phù hợp với tình hình và minh bạch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, số lượng mặt hàng cần mua sắm nhiều, đối với từng mặt hàng có nhiều hãng có thể cung cấp nên quá trình làm việc với từng hãng mất nhiều thời gian, trong khi diễn biến dịch nhanh. Mặt khác, thời gian qua, một số nhà tài trợ đã hỗ trợ, ủng hộ ngành y tế vật tư, trang thiết bị nên nhu cầu mua sắm không còn như ban đầu khi xây dựng kế hoạch. Các bệnh viện đang rất dè dặt, chưa ký hợp đồng mua mà chờ chỉ đạo của Bộ để thực hiện. Quá trình đấu thầu Bộ có mời các vụ, cục, bộ, ngành tham gia để đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, các bộ, ngành chỉ tham gia trong giai đoạn đầu, sau đó chủ yếu chỉ có Bộ Y tế làm việc với với các hãng.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, đã tiếp nhận viện trợ, tài trợ 2.402 máy thở chức năng cao, 2.150 hệ thống oxy dòng cao HFNC, 106 máy xét nghiệm PCR, 67 máy tách chiết, 50 máy theo dõi nhịp tim, 1.785 máy tạo oxy, 621 Monitor theo dõi bệnh nhân, 200.000 máy đo độ bão hòa oxy trong máu, 1 hệ thống ECMO, 200 giường bệnh nhân, 110 bơm tiêm điện; 151 ô tô xét nghiệm lưu động, vận chuyển vaccine, tiêm chủng lưu động, 108 tủ lạnh âm sâu đựng vaccine... và số lượng lớn test, kít xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19, vật tư y tế. Do đó, mặc dù số lượng mua sắm từ nguồn ngân sách còn thấp nhưng với các nguồn viện trợ, tài trợ đã góp phần quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch.

Từ thực tế trên, Bộ Y tế đề xuất các đơn vị, địa phương chủ động mua sắm vật tư, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ". Đối với số vật tư, trang thiết bị y tế đã bố trí dự toán nhưng chưa mua đến thời điểm này, Bộ Y tế sẽ rà soát, triển khai mua sắm một số lượng nhất định các vật tư, trang thiết bị cần phải có để dự phòng. Số kinh phí tạm dừng chưa mua, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ cho chuyển sang để mua vaccine.

Có "hội chứng ngại mua sắm"

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc mua sắm máy móc phải đồng bộ với nguồn nhân lực, thiết bị hiện đại nhưng không có người vận hành sẽ là lãng phí. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp chỉ ra rằng hiện có "hội chứng ngại mua sắm".

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu quan điểm: Các địa phương rất thích nhận phân bổ của Bộ Y tế vì vừa không phải mua, không phải chịu trách nhiệm, vừa không phải sử dụng kinh phí của địa phương. Song theo ông Phương, như vậy là không hiệu quả, phải có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, phải xác định rõ vật tư nào địa phương mua, vật tư nào phải qua Bộ Y tế mua tập trung. Với việc chuyển sang trạng thái "bình thường mới", thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 hiện nay, chỉ cần đấu thầu bình thường, không nhất thiết phải chỉ định thầu hay theo hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.

Nêu bài học thành công từ việc mua 400 máy thở chức năng cao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, quy trình thực hiện phải rõ ràng, công khai, đảm bảo mua được thứ mình cần và giá minh bạch. Các máy thở Bệnh viện mua là loại tốt nhất, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và đạt hiệu quả cao.

Ông Nhung cũng cho rằng, để có kế hoạch mua sắm tiếp theo, phải dự báo được tình hình dịch. Trong khi dịch diễn biến khó lường, biến chủng không ngừng, cần làm thế nào để không xảy ra "thảm họa y tế công cộng" như vừa qua, phải giám sát được dịch, xây dựng hệ thống cảnh báo, phát hiện, xét nghiệm. Để hệ thống dự phòng này nhanh, nhạy, hiệu quả, đòi hỏi phải có trang thiết bị kỹ thuật, con người, có sự điều phối tối ưu nhất trong các kịch bản khác nhau. Xét nghiệm là nòng cốt trong giám sát dịch. Hệ thống điều trị phải ứng phó đủ các kịch bản, phải có trang thiết bị đầy đủ. Hiện trang thiết bị còn thiếu rất nhiều, nhưng có trang thiết bị mà đắp đống để đấy là thiếu sót.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh cơ chế pháp lý phục vụ mua sắm trang thiết bị cơ bản đã có đầy đủ; các đơn vị sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế cần căn cứ vào kịch bản dịch bệnh, tình hình thực tế, tính toán kỹ lưỡng, sớm tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế; phân loại rõ loại vật tư, trang thiết bị nào có thể mua sắm tập trung, loại nào các địa phương phải chủ động chuẩn bị, trên cơ sở đó tổ chức mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

* Công tác tổ chức thực thi mua sắm chưa thực hiện tốt

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, vướng không phải ở vấn đề pháp lý, mà là tổ chức thực hiện, cần giao cho người có năng lực, đơn vị tổ chức nắm kỹ quy định, phương thức thực hiện.

"Quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có hướng dẫn, mở ra những cơ chế thoáng hơn nhưng có lúc, có nơi, việc đảm bảo yêu cầu về trang bị, vật tư, y tế, sinh phẩm,... theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là trong thời điểm căng thẳng chưa đáp ứng được yêu cầu", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản là do công tác tổ chức thực thi mua sắm chưa được thực hiện tốt, cả ở bộ và ở các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh mới, khi chiến lược chống dịch đã thay đổi (theo Nghị quyết 128/NQ-CP), công tác chuyên môn, hậu cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Căn cứ vào quy định mới, Bộ Y tế tính toán nhu cầu về trang thiết bị y tế, sinh phẩm... phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian sắp tới, sát với tình hình, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cả ở trung ương, địa phương, cả nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Với kinh phí đã phân bổ cho Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, cân đối, bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, chủ động, hiệu quả. Về việc tổ chức mua sắm, pháp luật đã quy định, mô hình thực tiễn cũng đã có, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc, Bộ Y tế chủ động đề xuất cụ thể với cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong vòng 10 ngày nữa, Bộ Y tế phải tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng kịch bản phòng, chống dịch đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Tăng cường quản lý mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 Tăng cường quản lý mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19

VTV.vn - Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine... phòng, chống dịch COVID-19 phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước