Tại Việt Nam, hiện chưa có con số nghiên cứu chính thức, đầy đủ về số lượng người tự kỷ. Tuy nhiên theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp cũng như kỹ năng xã hội khiến người tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập hay tìm được công việc phù hợp.
Một buổi họp đầu giờ sáng, phân công nhiệm vụ làm việc như ở nhiều đơn vị, chỉ khác khi toàn bộ những người lao động tại cơ sở này đều là người tự kỷ.
"Triển khai các mô hình kinh tế vừa và nhỏ để làm sao giúp các bạn tự kỷ tham gia vào lao động, đồng thời giúp phụ huynh có góc nhìn khác khi có con mắc chứng tự kỷ", ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc điều hành Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, cho biết.
Toàn bộ những người lao động tại cơ sở này đều là người tự kỷ.
Người lao động đặc biệt nên mô hình làm việc cũng đặc biệt hơn. Trong cùng một cơ sở có tổng hợp các dịch vụ từ siêu thị, nhà hàng ăn uống cho đến thư viện thuê mượn và bán sách.
Dọn dẹp thư viện, tính tiền, kiểm kê hàng hóa, nướng bánh pizza để phục vụ khách đến nhà hàng dùng bữa…, các đầu việc khác nhau phù hợp với khả năng lao động của từng người. Tất nhiên, việc khác, nhưng quy tắc làm việc sẽ được xây dựng chung.
Cũng theo ông Trung, hiện những người lao động tại đây không nhận lương tháng mà nhận thu nhập theo ngày từ doanh số kinh doanh. Những công việc mở giúp người tự kỷ thêm cơ hội giao lưu, tăng khả năng hòa nhập cộng đồng… Như mọi người khi làm việc, những người lao động ở đây cũng có áp lực cùng niềm vui và mong muốn riêng trong những ngày làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!