Sáng mùng 1 Tết, khi mọi người yên vui đầm ấm bên gia đình, tại quân cảng Hạ Long, từng hồi còi báo động rú vang. Sở Chỉ huy Lữ đoàn 170 ngay lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Sĩ quan trực chiến: Thông báo, hiện có 1 tốp tàu lạ xâm phạm khu vực Đông Nam Long Châu 30 hải lý, hết!
Chỉ huy Lữ đoàn 170: Lệnh cho biên đội tàu trực 266, 267 xuất phát thực hiện nhiệm vụ theo phương án.
Đây chỉ là một tình huống giả định nằm trong kế hoạch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn 170. Thế nhưng dù là giả định hay thực tế, tất cả các cán bộ chiến sĩ đều làm tốt công tác chuẩn bị vũ khí khí tài, sẵn sàng xuất kích ngay khi có lệnh, bất kể là ngày thường hay ngày Tết.
Là loại tàu pháo tốc độ cao, chỉ sau một thời gian ngắn, biên đội tàu chiến đã cơ động đến vị trí tàu lạ xâm phạm lãnh hải. Các loại radar điều khiển hỏa lực đều được phát xạ để tìm kiếm, ít phút sau mục tiêu giả định đã bị các họng súng khóa chặt.
Sau loạt đạn dài từ hải pháo AK176, mục tiêu tàu địch đã bị tiêu diệt. Tình huống giả định máy bay không người lái xâm phạm vùng trời Tổ quốc từ phía biển cũng được triển khai nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của đội hình tàu trực chiến. Với tốc độ bắn lên tới hơn 5.000 viên đạn 1 phút của khẩu AK630, chiếc máy bay không người lái cũng nhanh chóng bị bắn rơi khi bay vào vùng hỏa lực.
Đại úy Cao Tuấn Anh - Thuyền trưởng tàu 267 - Hải đội 7 - Lữ đoàn 170 Hải quân cho biết: "Công tác huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu được đơn vị duy trì thường xuyên, đặc biệt trong ngày Tết công tác trực chiến được nâng lên ở mức cao hơn, từ con người cho đến trang bị vũ khí đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có lệnh".
Năm đầu nhập ngũ, lại được làm nhiệm vụ trực chiến trên biển, thế nên đón xuân trên con tàu chiến lênh đênh giữa khơi xa là một trải nghiệm mới lạ với chíến sĩ Nguyễn Văn Dương. Dù Tết xa nhà, thế nhưng nhiệm vụ chăm sóc, bảo dưỡng những bệ phóng tên lửa luôn được Dương đặt lên hàng đầu để vũ khí luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
"Năm nay là năm đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, đặc biệt là trong đơn vị Hải quân, mặc dù không được đón Tết bên gia đình nhưng tôi luôn được sự quan tâm động viên của các anh cán bộ, đồng chí đồng đội, điều đó giúp tôi tạm quên đi nỗi nhớ gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ trực chiến" - chiến sĩ Nguyễn Văn Dương - Ngành hỏa lực - Tàu tên lửa 355 - Lữ đoàn 170 Hải quân chia sẻ.
Lữ đoàn 170 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển đảo, với hàng chục ngàn km2 ở vùng biển Đông Bắc. Đây là vùng biển, đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh của đất nước. Mùa xuân đến, các chiến sĩ Hải quân vẫn chắc tay lái, vững tay súng, đưa những con tàu chiến vượt phong ba bão táp, hướng ra khơi xa để tuần tra canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mắt thần trên vùng biển Đông Bắc
Đỉnh núi cao nhất của hòn đảo Trà Bản có độ cao 485 mét so với mực nước biển. Đây cũng chính là vị trí đóng quân của Trạm radar 485. Biệt lập trên đỉnh núi cao, quanh năm chỉ có gió biển và mây phủ, để lên được trạm radar này chỉ có một cách duy nhất là đi bộ xuyên rừng nguyên sinh. Quãng đường này chỉ dài 7 km nhưng khó đi đến nỗi người khỏe mạnh cũng phải mất gần 1 ngày mới lên đến nơi.
Không lênh đênh giữa khơi xa, thế nhưng trên đỉnh cao nhất của hòn đảo tiền tiêu, các chiến sĩ radar hải quân vẫn ngày đêm vươn cánh sóng ra khắp vùng biển của Tổ quốc. Họ được ví như mắt thần canh biển. Bất cứ con tàu lạ nào xâm phạm chủ quyền, lập tức sẽ bị phát hiện và thông tin cho các đơn vị tàu chiến như Lữ đoàn 170 xuất kích ngăn chặn.
Mắt thần canh biển xa
Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, những con tàu của Vùng 1 Hải quân đã hú vang những hồi còi chào quân cảng, rời bến kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu của những đơn vị radar trực chiến ở đảo xa, nơi được coi là những con mắt thần, ngày đêm canh giữ sự bình yên của biển đảo Tổ quốc.
Đóng quân tại đỉnh cao nhất của đảo Trà Bản thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, Trạm Rada 485 "soán ngôi" cao nhất, xa nhất trong 8 Trạm Rada vùng biển Đông Bắc. Từ đỉnh núi cao này, bộ đội Hải quân vẫn luôn canh trực 24/7, không để sót, lọt mục tiêu trên biển nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán.
Dù đón Tết xa nhà, xa đất liền nhưng khi hết phiên trực, được chung vui bên nồi bánh chưng cùng đồng đội cũng làm cho mỗi người lính Hải quân phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến tầu, ra thăm và chúc Tết quân dân trên các vùng biển đảo phía Bắc của Tổ quốc, những đơn vị, đài trạm nhỏ lẻ, hoạt động xa, độc lập đơn vị. Đây là luồng không khí mang hơi ấm của đất liền tới đảo xa, là nguồn cổ vũ động viên cán bộ quân dân nơi đảo xa quyết tâm cùng chúng tôi giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc" - Đại tá Trần Xuân Văn - Chính ủy Vùng 1 Hải quân cho biết.
Với 8 Trạm Rada phân tán từ đảo Trần (Quảng Ninh) đến núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Trong đó, có 4 trạm ngoài đảo, 4 trạm ở đất liền, hệ thống mắt thần của Vùng 1 Hải quân thu gọn toàn bộ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc trong những cánh sóng. Quyết tâm không để lọt bất cứ mục tiêu nào xâm phạm vùng biển của Tổ quốc, giữ bình yên cho nhân dân đón Tết.
Tết trên giàn khoan dầu khí
Trên Biển Đông hiện còn có tới 351 giếng khoan đang hoạt động. Và vào thời điểm này, 3.500 công nhân, kỹ sư dầu khí - vẫn đang miệt mài làm việc giữa khơi xa, để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên về cho Tổ quốc. Giống như các chiến sĩ Hải quân, các công nhân, kỹ sư dầu khí cũng đang đón xuân tại các giàn khoan, trên biển xa.
Xuân trên biển xa
Tạm biệt các chiến sĩ Hải quân đang canh giữ vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, điểm đến tiếp theo nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145km, đây là nơi các công nhân thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn đang ngày đêm vận hành các giàn khoan trên vùng mỏ Bạch Hổ để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên về cho Tổ quốc. Để cùng họ đón xuân giữa khơi xa, PV sẽ di chuyển ra giàn khoan bằng máy bay trực thăng.
Sau 45 phút bay trên biển, cụm dàn khoan dầu khí trên vùng mỏ Bạch Hổ đã hiện ra trong tầm mắt. Suốt hơn 30 năm qua, bất kể lễ Tết hay ngày bình thường, những giàn khoan này vẫn hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, bơm lên từ lòng biển sâu hàng trăm triệu tấn dầu và khí thiên nhiên về cho Tổ quốc. Nằm biệt lập giữa khơi xa, công việc đặc thù tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, thế nên trong thời điểm đại dịch, công tác phòng ngừa COVID-19 trước mỗi chuyến bay ra giàn khoan được kiểm soát chặt gấp nhiều lần so với trong đất liền.
Nằm ở phía Nam của mỏ Bạch Hổ, giàn CTK3 được coi là trái tim của cụm mỏ này. Với hệ thống điều khiển hiện đại, giàn CTK3 có nhiệm vụ xử lý dầu khí, bơm ép nước xuống vỉa, phát điện năng cho hệ thống trung tâm toàn mỏ. Nắm giữ vai trò quan trọng, thế nên kể cả trong ngày Tết, toàn bộ các công nhân, kỹ sư cũng như tất cả hệ thống máy móc trên giàn vẫn vận hành liên tục. Đã 8 năm ăn Tết ở trên giàn khoan, Tết năm nay, anh Lê Tư Khá vẫn miệt mài với công việc kiểm tra mức độ ăn mòn của những bồn áp suất. Với đặc thù khí hậu vùng biển, những bồn chứa này dễ bị tác động của nước mặn, làm ảnh hưởng đến hoạt động của giàn khoan.
Ngoài giàn khoan, các kỹ sư, công nhân mải miết làm việc, bên trong block nhà ở, tổ hậu cần tất bật gói bánh chưng để mang đến hương vị quê hương cho những người con xa nhà. Khác với đất liền, bánh chưng ngoài giàn khoan ăn đến đâu gói đến đấy cho dễ bảo quản.
Mỗi ngày, giàn CTK3 xử lý hơn 15.000 tấn dầu thương phẩm, hơn 3 triệu mét khối khí, dầu sau khi xử lý được bơm ra tàu chứa, còn khí tự nhiên sẽ được nén và xuất về bờ. Thành quả đó được tạo nên bởi 168 cán bộ công nhân viên, chia làm 2 ca làm việc liên tục. Vừa kết thúc ca làm việc ngày mùng 2 Tết, anh Nguyễn Hoàng Tùng tìm một vị trí thuận lợi nhất trên giàn khoan để hứng sóng, gọi về đất liền chúc Tết gia đình. Tuy nhiên giữa khơi xa, việc kết nối gặp rất nhiều khó khăn.
Vượt hơn 1000 km, những cành đào Nhật Tân đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam mang ra tận giàn khoan để không khí xuân giữa khơi xa thêm phần ấm áp. Với trách nhiệm tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc, hơn 300 giếng dầu cùng hàng nghìn cán bộ công nhân viên dầu khí đang làm việc giữa khơi xa còn có một sứ mệnh cao cả hơn, đó là góp phần gìn giữ chủ quyền quốc gia.
Giữa muôn trùng sóng gió, dù đón xuân xa gia đình nhưng suốt gần 50 năm qua, những ngọn đuốc phaken trên hàng trăm giàn khoan dầu khí vẫn luôn rực sáng như những đóa hoa trên biển đông. Không chỉ là ý chí, khát khao chinh phục thiên nhiên để đem về nguồn lợi kinh tế cho đất nước, mỗi giàn khoan còn là 1 cột mốc vững chãi, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!