Theo thông tin từ Bộ Công an, tội phạm mua bán người xuyên quốc gia hiện nay đang lợi dụng tối đa công nghệ, đặc biệt là các mạng xã hội, để thực hiện các hành vi tội phạm này một cách nhanh chóng và khó bị phát hiện hơn trước. Việc lợi dụng tính ẩn danh trên mạng xã hội đã tạo ra nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và truy tố các đối tượng tội phạm.
Các đối tượng thường xuyên tạo ra những cơ hội việc làm hấp dẫn, những lời hứa hẹn thu nhập cao để dụ dỗ nạn nhân, qua đó đẩy họ vào tình cảnh bị cưỡng bức lao động hoặc thậm chí là bị bóc lột tình dục. Từ những lời mời gọi từ các trang mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại tìm kiếm cơ hội đổi đời, nhưng lại không lường trước được sự nguy hiểm từ những đối tượng xấu.
Một trong những trường hợp điển hình là câu chuyện của một người đàn ông đã tìm được công việc tại Campuchia qua mạng xã hội. Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã quyết định đi theo lời mời gọi của một người quen trên mạng xã hội mà không hề biết rõ công việc đó là gì. Khi đến bến xe An tại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục đi tiếp, anh đã bị lừa bán sang nước ngoài.
"Không hỏi công việc đó như thế nào, nghe đồng tiền lớn quá nên cứ thế đi thôi. Họ gài mình vào thế không thể xuống xe được nữa. Nhiều nạn nhân khác cũng được đưa sang đây từ những trang mạng xã hội như vậy" - Nạn nhân bị mua bán người cho biết.
Không giống như trước đây, các đường dây mua bán người chủ yếu lợi dụng các con đường bất hợp pháp, thì giờ đây, một số nạn nhân bị lừa bán lại đi theo con đường hợp pháp. Họ tự nguyện đăng ký tham gia vào công việc và chuẩn bị đi lao động hợp pháp, nhưng khi sang đến nơi lại rơi vào tay các đối tượng tội phạm. Một số nạn nhân thậm chí bị dụ dỗ bởi chính những người quen hoặc cùng quê với họ.
Các nạn nhân này sau khi đến nơi mới nhận ra mình đang bị ép buộc tham gia vào các hoạt động lừa đảo qua mạng, trong đó có việc lừa tình qua mạng. Thậm chí, nhiều người bị bạo hành, đánh đập và chịu đựng những hình thức tra tấn dã man. Những người không thể hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị xử phạt rất nặng, với nhiều nạn nhân bị đánh đập, chích điện, hoặc bị cắt ngón tay ngón chân. Họ bị giam cầm, không được bước ra ngoài, và không biết gì về thời tiết ngoài khuôn viên công ty.
Điều đáng nói là không ít nạn nhân sau khi bị lừa bán, họ buộc phải tham gia vào các hành vi phạm pháp để bảo vệ bản thân. Điều này khiến cho họ không dám tố cáo, vì sợ bị xem là tội phạm.
Theo ông Nguyễn Công Long, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: "Số vụ phát hiện khởi tố không nhiều. Họ là nạn nhân thực sự nhưng không làm rõ được. 1 nạn nhân phải có 1 vụ án cụ thể nào đó. Điều chúng tôi trăn trở nhất là phòng ngừa ngăn chặn từ xa. Bản thân từng người dân từng thành viên gia đình cần ý thức về việc này".
Phối hợp chia sẻ thông tin, hợp tác quốc tế trong điều tra, dẫn độ tội phạm, đang là 1 trong giải pháp được Bộ Công an đẩy mạnh để kịp thời xử lý đối tượng phạm tội và bảo vệ nạn nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!