Lòng tự hào dân tộc và bài học cho các thương hiệu

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 19/03/2025 14:31 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Dựa vào văn hóa dân tộc là con đường bền vững để phát triển thương hiệu, không chỉ đem lại lợi ích cho một cá nhân mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá vẻ đẹp đất nước.

Chưa khai trương đã đứng trước nguy cơ bị khách hàng quay lưng. Ngay ngày hôm qua, khi biển bảng của thương hiệu này được tháo bỏ, một lá Quốc kỳ Việt Nam đã được treo lên tại khu vực này. Lá cờ nhỏ như một lời nhắc nhở đầy sức nặng: Việt Nam vốn nổi tiếng là một đất nước hiếu khách, sẵn sàng chào đón những thương hiệu toàn cầu đến kinh doanh. Nhưng hiếu khách không có nghĩa là dễ dãi. Một trong những giới hạn đỏ không thể bị vượt qua là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Ngay khi những vụ việc như của thương hiệu trà sữa kia xảy ra cũng là lúc chúng ta lại thấy rõ nhất ý thức và tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đang cuộn chảy mạnh mẽ như thế nào trong mỗi người Việt. 

Trước đó, một thương hiệu khác cũng đã bị quay lưng dù đã từng được nhắc tới như một trào lưu khó có thể bỏ qua trong giới trẻ hiện nay đó là Baby Three. Nhiều đơn vị, cá nhân đã ngay lập tức tẩy chay, dừng hợp tác với sản phẩm này. Những bài viết, ý kiến phản đối xuất hiện trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Có tài khoản còn đăng tải clip phá bỏ hình ảnh có thể liên tưởng sai lệnh về chủ quyền lãnh thổ của chúng ta. Dù giá trị mỗi Baby Three này là không hề rẻ.

Với các thương hiệu vi phạm, theo luật hiện hành, mức xử phạt có thể chỉ là khoảng vài chục triệu đồng về việc "Lưu hành sản phẩm thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia". Tuy nhiên, cái mất nhiều hơn, đáng lo hơn với nhãn hàng ấy là mất đi tình cảm và mối liên kết với người dùng Việt Nam.

Sự quay lưng của người tiêu dùng trước làn sóng tẩy chay Baby three

Quyết định "chia tay" với những món đồ chơi từng là niềm yêu thích của bản thân dù sở hữu khoảng 20 chục con Baby Three, chủ nhân của số Baby Three này không giấu nổi sự thất vọng trước những thông tin tiêu cực liên quan đến món đồ chơi này.

Phiên bản thỏ thị trấn Ver2 từng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt trên thị trường, chị Minh Anh cũng không ngờ chỉ sau thời gian ngắn, loại đồ chơi này đối mặt làn sóng tẩy chay mạnh tại Việt Nam. Ế chỏng chơ không ai mua, chị đành ôm hàng lỗ nặng.

Món đồ chơi từng là duy nhất, nhưng tình yêu đó không thể sánh bằng tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ là điều thiêng liêng nhất, không ai có quyền xâm phạm hay bóp méo.

Với những ai từng tìm hiểu về lĩnh vực bán hàng, chúng ta đều biết: Ở một mức độ nào đó, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm của một thương hiệu, họ còn mua cảm xúc, mua niềm tin, mua giá trị trong câu chuyện mà thương hiệu ấy kể. Câu chuyện càng truyền cảm hứng và chạm tới cảm xúc của nhiều người thì mối liên hệ giữa khách hàng và sản phẩm càng bền vững. Và lòng tự hào dân tộc có thể trở thành một câu chuyện kết nối đầy cảm hứng như thế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, lòng yêu nước không chỉ là một giá trị văn hóa, mà còn là một yếu tố cần được đặc biệt chú ý trong xây dựng thương hiệu. Cùng với chất lượng sản phẩm, khi một thương hiệu tìm được cách gắn liền với giá trị dân tộc, chủ quyền, văn hóa và truyền thống, họ có thể tạo dựng được sự trung thành của khách hàng một cách bền vững.

Tạo dựng thương hiệu Việt từ văn hóa dân tộc

Chữ "tình" của người Kinh-Bắc trong tinh thần Hiếu khách đã trở thành nguồn cảm hứng để một thương hiệu Cafe kể câu chuyện văn hóa và giữ gìn trong những không gian đương đại. Lấy văn hóa làm cốt lõi để phát triển thương hiệu đồ uống của mình, đến nay chỉ riêng Bắc Ninh và Hà Nội, cửa hàng đồ uống này đã có tới 11 cơ sở.

Anh VŨ HẢI - Founder chuỗi cửa hàng Cafe tại Bắc Ninh: "Chúng mình đặt tên các đồ uống là tứ thân, quai thao, mời trầu mọi người tò mò với tên gọi đó. Chúng mình đưa mái đình, nét kiến trúc đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Qua đồ uống đó mọi người biết về làng nghề, câu quan họ, cây trúc xinh và về với Bắc Ninh nhiều hơn".

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km về phía Nam, làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu có lịch sử làm tăm hương truyền thống suốt hơn một thế kỷ. Gia đình ông Long cũng đã làm nghề được gần 40 năm, thay vì phơi thường như các gia đình khác thì ông lại có ý tưởng sáng tạo làm bản đồ Việt Nam ở ngay làng nghề của mình.

ThS. Đặng Thanh Vân - Chuyên gia tư vấn cao cấp chiến lược thương hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Thanhs: "Bản sắc là yếu tố rất quan trọng và vì thế các thương hiệu có khả năng khai thác tốt những dấu hiệu liên quan đến yếu tố bản sắc, có thể là bản sắc quốc gia, dân tộc, vùng miền đều là những thương hiệu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng. Điều quan trọng là bạn có tạo ra dấu ấn gì trong tâm trí của họ hay không. Tạo ra sự khác biệt, đặc biệt cái sự khác biệt liên quan đến hình ảnh, nhận diện, âm nhạc, âm thanh, câu chuyện nhiều cảm xúc mà có liên kết đặc trưng với thương hiệu thì mới là điều dễ dàng khiến khách hàng nhớ đến thương hiệu của bạn".

Văn hóa còn thì dân tộc còn! Dựa vào văn hóa dân tộc là con đường bền vững để phát triển thương hiệu. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho một cá nhân mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá vẻ đẹp vùng miền và đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước