Loạn thị trường sách giả, sách thật

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 20/07/2024 21:04 GMT+7

VTV.vn - Sự tồn tại tràn lan của sách lậu, sách giả khiến thị trường sách hỗn loạn, các nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn.

Thủ đoạn sản xuất và tiêu thụ sách giả

Hiện sách giả, sách lậu không chỉ tràn lan ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, những loại sách này còn "đổ bộ" lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội khiến cuộc chiến với sách giả càng trở nên khó khăn hơn.

Hai đối tượng cầm đầu trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giả với quy mô đặc biệt lớn đều thường trú tại TP Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2022, cả 2 đã cùng nhau thống nhất tham gia sản xuất sách giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng một số nhà xuất bản khác để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài 2 đối tượng cầm đầu, còn 5 đối tượng khác được chỉ đạo tham gia các khâu mua sắm nguyên vật liệu, tem, in ấn, gia công đóng gói, chuyển sách đi tiêu thụ, bán lại cho các nhà sách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận.

Tại thời điểm bắt giữ, nhóm đối tượng và khám xét các cơ sở, cơ quan công an phát hiện nhiều các máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất, cùng hàng triệu con tem giả, hơn 600.000 sản phẩm, bán thành phẩm là sách giả. Cách thức các đối tượng liên lạc, trao đổi rất tinh vi để né tránh cơ quan chức năng.

"Khi liên hệ giao dịch trao đổi, nhận hàng qua đường vận chuyển, các dịch vụ vận chuyển. Quá trình cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng dễ dàng từ chối nhận hàng hoặc xóa toàn bộ các dữ liệu liên quan, tiêu hủy toàn bộ chứng cứ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý", Đại úy Đoàn Sơn Tùng, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, cho biết.

Căn cứ các tài liệu thu giữ, lực lượng chức năng xác định từ năm 2021 đến nay, hơn 4 triệu cuốn sách giả đã được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn cả nước.

Số tiền thu lời bất chính lên đến hàng tỷ đồng với các đường dây tiêu thụ chủ yếu ra thị trường là các tiệm sách, nhà sách..., từ đó phân phối đến người tiêu dùng.

Liên tiếp thu giữ sách giả

Mới đây nhất, gần 80.000 cuốn sách giáo khoa giả từ lớp 1 - 12, ước tính hơn 1,3 tỷ đồng vừa bị cơ quan quản lý thị trường Hậu Giang thu giữ.

Không chỉ 1, mà hàng trăm đầu sách giả đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện và thu giữ suốt thời gian qua. Sách giả xuất hiện ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam với số lượng sách bị thu giữ lên tới hàng triệu ấn phẩm, vụ sau lớn hơn vụ trước.

Loạn thị trường sách giả, sách thật - Ảnh 1.

Đội Quản lý thị trường số 12 kiểm tra tại một hội sách. (Ảnh: NLĐ)

Chỉ cách đây 2 ngày, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn, bao bì của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đây là vụ việc liên quan đến sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hơn 40.000 quyển sách giáo khoa giả mạo các ấn phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng vừa bị Quản lý thị trường phát hiện và xử lý. Số sách vi phạm có giá gần 600 triệu đồng.

Tổ chức kiểm tra đột xuất Công ty B.H tại TP Sóc Trăng, lực lượng chức năng phát hiện công ty này đang kinh doanh gần 10 sản phẩm sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Cuối tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiến hành thu thập thông tin, xây dựng phương án tổ chức kiểm tra đối với 4 nhà sách trên địa bàn tỉnh. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện gần 3.320 quyển sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 11 đang trưng bày bán và lưu trữ sách giáo khoa có nhãn, bao bì hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tem dán trên bìa sách cũng bị làm giả

Sách và sách giáo khoa giả đang được sản xuất với các thủ đoạn in ấn mua bán ngày càng biến hóa muôn hình vạn trạng.

Việc ngăn chặn cũng đang gặp nhiều thách thức, nhất là thời đại công nghệ phát triển càng tạo môi trường thuận lợi cho các sản phẩm giả len lỏi lên chợ online.

Liên tục phải đặt hàng với các nhà xuất bản, đảm bảo được số lượng đầu ra, đầu vào của từng sản phẩm, đại diện nhà sách cho biết, vấn đề nguồn gốc xuất xứ của các đầu sách là ưu tiên hàng đầu bởi với hệ thống 12 nhà sách hiện có, số lượng ấn phẩm được bán ra thị trường thông qua hệ thống này lên tới con số hàng trăm nghìn.

Chỉ tính riêng số đầu sách giáo khoa cho 3 cấp học là hơn 200 đầu sách. Với các nhà sách lớn, mỗi hệ thống đang bày bán tới 25.000 đầu sách khác nhau. Các nhà xuất bản cho biết, thậm chí số lượng sách giả, sách lậu trên thị trường còn lớn hơn hàng chục lần số lượng các đơn vị này phát hành ra.

"Chúng tôi luôn làm việc với nhà cung cấp, đặt hàng trước, gối đầu trước các đầu sách giáo khoa để đảm bảo nguồn cung ứng luôn đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng", chị Lê Thị Hồng, Quản lý nhà sách Tiến Thọ, Hà Nội, chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện các nhà xuất bản cho biết, không chỉ kích cỡ, mẫu mã, nội dung, màu sắc của cuốn sách, mà ngay cả tem dán trên bìa sách cũng bị làm giả.

Những con tem giả này cũng chỉ có thể sao chép bề ngoài mà không thể tích hợp các công nghệ chống giả khác.

Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh cho biết, sách giả vẫn có những điểm quan trọng có thể phân biệt như: chất lượng giấy kém hơn, chữ nhiều đoạn bị đứt nét, hình ảnh mờ nhòe.

"Bây giờ gần như những sách bán trung bình cũng bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường", bà Đỗ Thị Kim Dung, Trưởng Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt, cho biết.

Trước thực trạng này, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành đang đẩy mạnh phối hợp với các các cơ quan liên quan để ngăn chặn sự lưu hành của sách giả. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tác quyền của sách giáo khoa.

"Chúng tôi thường xuyên theo dõi trên mạng và phối hợp với các nhà in, nhà sản xuất để chúng tôi tiếp tục phát hiện sai phạm để xử lý theo quy định", ông Võ Khắc Như, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, cho hay.

Sách, sách giáo khoa giả không chỉ kém chất lượng về giấy in, bìa, mà còn có nội dung không chính xác, thiếu trang, mất trang..., ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của học sinh, thường được chào bán với chiết khấu cao, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm thiệt hại kinh tế cho các đơn vị làm sách chân chính, mà còn làm thất thu ngân sách.

Sách giả, sách lậu 'trà trộn' trước năm học mới Sách giả, sách lậu "trà trộn" trước năm học mới

VTV.vn - Tình trạng sách giả, sách lậu trà trộn lại là nỗi lo của nhiều gia đình khi bắt đầu chuẩn bị sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con em mình để phục vụ cho năm học mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước