Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu "khí cười" N2O

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/11/2024 01:36 GMT+7

VTV.vn - Cần phải siết chặt quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng khí N2O (khí cười) tại Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá, bóc gỡ đường dây nhập lậu, tiêu thụ hàng nghìn khí N2O (tức khí cười) từ nước ngoài về Việt Nam, bắt giữ các đối tượng chủ mưu cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các đối tượng đã tổ chức đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn N2O từ nước ngoài, để phục vụ mục đích vui chơi giải trí trong một thời gian dài, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu khí cười N2O - Ảnh 1.

Hàng nghìn tấn N2O được nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam bị Công an thành phố Hà Nội thu giữ

Theo Trung tá Trương Quang, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan về tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên một vụ việc liên quan đến kinh doanh khí cười bị xử lý hình sự. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội.

"Từ năm 2019-2024, các đối tượng đã thực hiện 364 tờ khai, nhập khẩu hơn 7.500 tấn khí N2O. Thủ đoạn của các đối tượng bao gồm việc thành lập nhiều công ty với danh nghĩa hoạt động sản xuất và xuất khẩu khí N2O. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ bán một lượng rất nhỏ khí này cho các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thực phẩm. Lợi dụng chính sách mở trong việc nhập khẩu khí N2O, các đối tượng khai báo loại khí này là phụ gia thực phẩm, chỉ cần công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu, họ đưa khí N2O vào mục đích phục vụ vui chơi, giải trí với số lượng lớn", Trung tá Trương Quang cho biết.

Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu khí cười N2O - Ảnh 2.

Trung tá Trương Quang, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ về thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu khí N2O

Hiện nay, pháp luật đã có đầy đủ các quy định về quản lý hóa chất hạn chế nói chung và khí N2O nói riêng. Cụ thể, Nghị định 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP, quy định chặt chẽ về các điều kiện và thủ tục đối với doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh khí N2O. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện pháp lý được nêu rõ trong các nghị định này. Nghị định 71/2019/NĐ-CP và Nghị định 17/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế, bao gồm khí N2O. Đối với khí N2O sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, cụ thể là Bộ Công Thương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khí Nitơ Oxit N2O là một loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong ba lĩnh vực: công nghiệp, y học và thực phẩm phụ gia. Tại Việt Nam, Luật Hóa chất đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất. Trong đó, Bộ Y tế quản lý các hàng hóa hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế. Bộ Công Thương quản lý hóa chất sử dụng trong công nghiệp, hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.

"Để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng hóa chất này, Luật Hóa chất và Nghị định 82/2022 đã quy định chặt chẽ các yêu cầu đối với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất Quốc gia. Sau đó, Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương sẽ xem xét hồ sơ và tiến hành các thủ tục kiểm soát, bao gồm việc chấp nhận hoặc từ chối hồ sơ khai báo. Nghị định 82 cũng quy định rõ ràng về việc kiểm soát mục đích sử dụng của hóa chất nhập khẩu, đảm bảo rằng các sản phẩm hóa chất như N2O được sử dụng đúng mục đích đã khai báo", ông Văn Huy Vương, Phó Trưởng phòng Phát triển Công nghiệp hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu khí cười N2O - Ảnh 3.

Ông Văn Huy Vương, Phó Trưởng phòng Phát triển Công nghiệp hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết các quy định về kiểm soát việc nhập khẩu và sử dụng khí N2O

Trên thị trường hiện nay, khí N2O khá dễ dàng bắt gặp gắn với cụm "bóng cười", tạo cảm giác phấn khích, gây cười sảng khoái. Chúng được quảng cáo, giới thiệu khá thoải mái ở quán bar, vũ trường, karaoke, thậm chí ngay cả ngoài vỉa hè là quán cà phê. Việc lạm dụng thường xuyên loại khí này, gây ảnh hưởng và nguy hại không hề nhỏ cho sức khỏe và thậm chí đã có không ít trường hợp phải nhập viện.

Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu khí cười N2O - Ảnh 4.

Bóng cười được giới thiệu khá thoải mái ở quán bar, vũ trường, karaoke, thậm chí ngay cả ngoài vỉa hè

Trung tá Trương Quang cho rằng, để hạn chế tối đa và tiến tới xóa bỏ vấn nạn sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi, giải trí, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể. Ông đề xuất: "Thứ nhất, việc chặt đứt nguồn cung cấp khí N2O là giải pháp then chốt. Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục về pháp luật, cũng như tác hại của bóng cười. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, góp phần trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng khí N2O. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh sử dụng bóng cười trong hoạt động vui chơi, giải trí. Cuối cùng là việc siết chặt quản lý hoạt động nhập khẩu và kinh doanh khí N2O".

Lỗ hổng trong việc quản lý xuất nhập khẩu khí cười N2O - Ảnh 5.

Ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí cười, được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

"Để tăng cường công tác cấp phép khí N2O, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan. Đồng thời, công tác giám sát cần được triển khai đồng bộ, với sự tham gia của các cơ quan công an, Sở Công Thương và Sở Y tế từ Trung ương đến địa phương. Mọi thông tin liên quan cần được cập nhật và chia sẻ cho các cơ quan chức năng để đảm bảo sự đồng nhất trong công tác quản lý", ông Văn Huy Vương nhấn mạnh.

Ông Văn Huy Vương cũng cho biết, ngày 5/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Chỉ thị này yêu cầu các đơn vị như Cục Hóa chất, Tổng cục Quản lý thị trường và các Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến hóa chất hạn chế.

Với tinh thần chủ động tấn công, trấn áp tội phạm, Công an thành phố Hà Nội đã bóc gỡ, triệt phá, bắt giữ được các đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, chặt đứt nguồn cung cấp khí N2O vào trong nước. Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an đó là "bắt cả đường dây, không bắt khúc giữa", "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa đã, đang và sẽ có ý định lợi dụng sơ hở trong chính sách pháp luật của nhà nước trong việc nhập khẩu khí N2O nói riêng, cũng như các loại hóa chất nói chung, để phạm tội nhằm mục đích kinh doanh trái phép, kiếm lời bất chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước