Lập hồ sơ khống hưởng tiền hỗ trợ nông nghiệp: Đưa cả người đã khuất vào danh sách

Anh Tuấn-Thứ sáu, ngày 10/05/2024 15:22 GMT+7

VTV.vn - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Nam vừa đấu tranh làm rõ vụ án với thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ khống, đưa người đã khuất vào danh sách nhận tiền hỗ trợ nông nghiệp.

Thủ đoạn lập hồ sơ khống hưởng hỗ trợ dự án nông nghiệp

Để khuyến khích người dân tham gia sản xuất canh tác cây trồng vụ Đông trên đất hai lúa, vừa hạn chế tình trạng hoang hóa đất đai, vừa giúp người dân nâng cao đời sống, có thêm thu nhập phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã chủ trương triển khai các mô hình trồng cây giống mới với nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân.

Đây là chủ trương đúng đắn, chính sách tốt đẹp của nhà nước nhưng cách triển khai ra sao để đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả và khoản hỗ trợ được chi đúng đối tượng được hưởng mới là điều cần bàn đến. Bởi cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam vừa đấu tranh làm rõ vụ án với thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ khống, đưa cả người đã khuất vào trong danh sách nhận tiền hỗ trợ nông nghiệp.

Lập hồ sơ khống hưởng tiền hỗ trợ nông nghiệp: Đưa người đã khuất vào danh sách nhận tiền  - Ảnh 1.

Không chỉ một, mà trong danh sách còn có nhiều trường hợp tương tự dù không còn sống nhưng vẫn được hợp tác xã đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Danh sách các hộ ở thôn Thụy Sơn 2 được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam lập ra để đề nghị nghiệm thu hỗ trợ khi triển khai mô hình trồng cây bí đỏ, cây dưa xuất khẩu trên địa bàn.

Anh Mong không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tên bố mình vẫn nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ trong vụ đông năm 2021 - 2022, vì ông đã mất từ cách đây hơn 10 năm trước.

"Ông mất trước rồi, mất từ năm 2013. Vì vậy, thời điểm đó ông không thể ký văn bản. Ruộng đứng tên ông nhưng con cái không được nhận", anh Phan Văn Mong, con ông Đảm, thôn Thụy Sơn 2, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cho biết.

Không chỉ một, mà trong danh sách này còn có nhiều trường hợp tương tự khác, dù không còn sống nhưng vẫn được hợp tác xã đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ.

"Ở trong này có 5 người qua đời. Tôi chỉ biết 2 người, còn 3 người kia không biết qua đời khi nào", ông Đinh Văn Mịnh, Bí thư Chi Bộ, Trưởng Thôn Thụy Sơn 2, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cho hay.

Người đã khuất lại ký tên trên bản nghiệm thu nhận tiền. Chuyện lạ nhưng có thật và cùng xảy ra ở nhiều thôn khác trong xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng.

Người khuất không thể sống lại, nên những bất thường trên hồ sơ thanh toán nghiệm thu tiền hỗ trợ người dân canh tác nông nghiệp đã được các cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Nam phát hiện làm rõ.

"Kết quả điều tra xác định có gần 300 trường hợp đã chết nhưng các đối tượng đưa vào danh sách hồ sơ để đề nghị cơ quan nhà nước cấp tiền hỗ trợ. Trong hồ sơ, những người này vẫn ký nhận tiền", Trung tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam, thông tin.

Lập hồ sơ khống hưởng tiền hỗ trợ nông nghiệp: Đưa người đã khuất vào danh sách nhận tiền  - Ảnh 2.

Ngoài những trường hợp người đã khuất, còn có những người không tham gia sản xuất, không sinh sống tại địa phương cũng được đưa vào trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Bước đầu kết quả điều tra xác định, 3 bị can lần lượt là giám đốc, thủ quỹ và kế toán trưởng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn đã cấu kết lập danh sách khống. Để có chữ ký thể hiện những người trong danh sách đã được nhận tiền hỗ trợ, thủ quỹ và kế toán thay nhau giả mạo ký khống, kể cả với những trường hợp đã khuất.

Tài liệu điều tra xác định, quá trình triển khai 3 mô hình canh tác nông nghiệp vụ Đông năm 2021 và vụ Xuân năm 2022 tại xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, nhóm đối tượng đã lập danh sách khống với hơn 1.800 người.

Ngoài những trường hợp người đã khuất, còn có những người không tham gia sản xuất, không sinh sống tại địa phương cũng được đưa vào trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Ý nghĩa của đề án 06 trong việc phát hiện dấu hiệu trục lợi chính sách

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, hợp tác xã đã làm thủ tục trình UBND huyện Kim Bảng chi hỗ trợ, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 580 triệu đồng. Dù số tiền gây thiệt hại có thể không lớn như các vụ án khác, nhưng có thể thấy, các đối tượng đã có hành vi và thủ đoạn rất tinh vi để hợp thức hóa hồ sơ khống.

Qua vụ án này một lần nữa cho thấy, tính hiệu quả của đề án 06 khi đi vào cuộc sống, không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp cho người dân được hưởng lợi, mà còn góp phần phanh phui các hành vi gian dối, tiêu cực trong kê khai hồ sơ để hưởng hỗ trợ, trợ cấp từ các chính sách tốt đẹp của Nhà nước.

"Thông qua rà soát dữ liệu dân cư, cơ quan điều tra ban đầu xác định trong danh sách đó có nhiều người dân đã chết trước khi xuất hiện mô hình đó hoặc, một số người dân không có mặt ở địa phương nhưng vẫn có tên trong danh sách", Trung tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam, cho biết.

Lỏng lẻo quy trình thẩm định, nghiệm thu kết quả mô hình nông nghiệp

Rõ ràng hiện nay, khi đồng bộ hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, những chuyện vô lý kiểu như người đã mất nhiều năm nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ có thể dễ dàng nhận ra.

Quay trở lại vụ án xảy ra tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn, một câu hỏi nhiều người ang thắc mắc là tại sao danh sách kê khai khống lại có thể trót lọt qua nhiều khâu thẩm định, nghiệm thu của dự án.

Theo quy trình, sau khi phía hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp lập hồ sơ đề nghị nghiệm thu hỗ trợ, phía UBND xã Tân Sơn sẽ xác nhận vào danh sách này sau đó trình lên UBND huyện Kim Bảng chi hỗ trợ.

Phía UBND huyện Kim Bảng cũng đã thành lập tổ thẩm định, nghiệm thu quá trình triển khai 3 mô hình. Trong đó thành viên tổ nghiệm thu gồm một số phòng ban của huyện. Quá trình điều tra xác định, sau khi cấp xã nghiệm thu, phía huyện chỉ thẩm định trên hồ sơ mà không xác minh ngẫu nhiên các trường hợp trên thực tế, thậm chí ra đồng, vẫn thấy người dân có trồng các cây nông nghiệp theo mô hình.

"Bệnh thành tích" khi triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can lần lượt là Giám đốc, thủ quỹ và kế toán ở Hợp tác xã bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự. Còn Chủ tịch UBND xã Tân Sơn bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 360 Bộ luật Hình sự.

Vi phạm xảy ra là một điều đáng tiếc, vì đã ảnh hưởng trực tiếp đến mục đích, mong muốn và sự hiệu quả của các mô hình hỗ trợ bà con canh tác nông nghiệp, vốn được địa phương đặt rất nhiều kỳ vọng.

Vì thu nhập chính đến từ nghề nông, nên gia đình chị Ngoãn (ở thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng) hiếm khi để hoang những thuở ruộng của mình. Khoản hỗ trợ khi tham gia mô hình trồng cây dưa giống mới cũng ít nhiều đỡ được phần nào chi phí đầu tư.

Lập hồ sơ khống hưởng tiền hỗ trợ nông nghiệp: Đưa người đã khuất vào danh sách nhận tiền  - Ảnh 3.

Vi phạm xảy ra là một điều đáng tiếc, vì đã ảnh hưởng trực tiếp đến mục đích, mong muốn và sự hiệu quả của các mô hình hỗ trợ bà con canh tác nông nghiệp.

"Họ hỗ trợ cho giống dưa, phân, cày bừa. Năm đầu tiên, que với lưới đây, sau thì tôi vẫn giữ lại để làm", chị Đỗ Thị Ngoãn, Thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, chia sẻ.

Ai tham gia mới được hỗ trợ, nhưng thực tế cả thôn Tân Lang chỉ có 10 hộ trồng mô hình sản xuất cây vụ đông năm 2021, trong khi trong danh sách nhận tiền lại có đến 108 người.

Từ danh sách khống được lập ra, UBND xã Tân Sơn thời điểm đó đã được khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc vượt chỉ tiêu 100% kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương.

"Vì phong trào vì uy tín thành tích của xã. Không có phong trào của huyện giao thì Bí thư, Chủ tịch gọi suốt. Không làm mà thành tích không có thì rất phức tạp", đối tượng Đỗ Phương Thức, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Sơn, khai nhận.

Theo chủ trương thực hiện mô hình, UBND huyện sẽ hỗ trợ 50% tiền giống và 50% thiết bị vật tư thiết yếu. Khoản hỗ trợ đó sẽ được chi trả khi có kết quả nghiệm thu thực tế. Tuy nhiên, để đạt được thành tích cao trong phong trào này, hợp tác xã đã tự ý làm theo cách riêng tự nghĩ ra.

"Diện tích chỉ đạt 70 - 80%, muốn tạo điều kiện cho người dân lập làm sao cho đủ chỉ tiêu kế hoạch, làm sao cho đạt chỉ tiêu", anh Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Chi Bộ, Trưởng thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, cho hay.

Vì khoản tiền hỗ trợ được tính toán theo đơn giá và diện tích canh tác, nên mới có chuyện người không tham gia sản xuất cũng được kê khai vào danh sách nhận tiền để cho đẹp hồ sơ."

Theo cơ quan điều tra, hành vi sai phạm của các đối tượng trong vụ án đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của nhà nước. Vì làm sai nên mục đích khuyến khích người dân tham gia sản xuất phát triển kinh tế cuối cùng cũng không thực hiện được.

Từ kết quả điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Nam đã kiến nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra trong khâu thẩm định, nghiệm thu khi triển khai các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế đảm bảo tiền ngân sách được chi trả đúng người, đúng mục đích, tránh thiệt hại cho nhà nước.

Cựu chủ tịch và nhân viên quỹ tín dụng lập khống hồ sơ tín dụng để vay vốn Cựu chủ tịch và nhân viên quỹ tín dụng lập khống hồ sơ tín dụng để vay vốn

VTV.vn - Công an tỉnh Trà Vinh vừa khởi tố, bắt tạm giam cựu lãnh đạo và nhân viên một quỹ tín dụng trên địa bàn đã lập hồ sơ giả lừa đảo hơn 10 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước