Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Báo Cần Thơ
Ban này có nhiệm vụ triển khai các chương trình bảo tồn. Đồng thời có trách nhiệm đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, chợ nổi hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây, định kỳ 6 tháng một lần có báo cáo với UBND thành phố.
Với hơn 100 năm tuổi, chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ là một trong những khu chợ nổi lớn nhất ĐBSCL. Không chỉ là mô hình buôn bán, chợ nổi còn mang đậm nét văn hóa cùng sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, những năm vừa qua, do nhiều nguyên nhân nên mô hình chợ nổi trên sông như Cái Răng đang ngày càng vắng khách. Chợ nổi đang đứng trước nguy cơ "chìm".
Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chợ được tạp chí du lịch Gab Guis của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chợ nổi Cái Răng chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong phương thức sinh hoạt trao đổi mua bán hàng hóa rất đặc trưng của người dân ĐBSCL.
Đến chợ nổi, nhiều du khách ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tàu, ghe di chuyển nhiều lần va chạm nhau nhưng không ai phiền hà, việc trao đổi hàng hóa rất ít khi xảy ra cãi cọ, hiếm có chuyện xung đột ẩu đả. Những nét đẹp ấy thể hiện tính tự quản của cộng động cư dân vùng sông nước, góp phần làm cho chợ nổi Cái Răng tồn tại đến ngày nay.
Cứ 10 du khách tới Cần Thơ thì có 7 người chọn chợ nổi Cái Răng làm điểm tham quan. Mỗi ngày có 200 lượt tàu du lịch chở khách tới chợ nổi. Cuối tuần, lượng khách có thể đạt 700 - 800 người. Những con số này cho thấy phần nào sự thu hút của chợ nổi Cái Răng với khách du lịch.
Thực tế, thành phố Cần Thơ đã có đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng vào năm 2016 và đã triển khai nhiều giải pháp cùng lúc, hỗ trợ thương hồ chợ nổi ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập, hỗ trợ vốn vay, nước sạch với kinh phí khoảng 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, tương lai của chợ nổi Cái Răng vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Địa hình miền Tây với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt khiến giao thông đường thủy luôn chiếm lợi thế lớn. Vì thế, trước kia, mô hình buôn bán trên bến dưới thuyền rất phát triển. Nhưng ngày nay, hệ thống đường bộ tại ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, nền kinh tế sông nước mang đặc tính tự cung tự cấp cơ bản đã hoàn thành vai trò lịch sử. Hiện số lượng tàu thuyền trên chợ nổi đã giảm chỉ còn một nửa so với trước đây.
Trong bối cảnh đó, muốn bảo tồn chợ nổi, ngoài giữ chân thương hồ thì cần có cách tiếp cận từ góc độ văn hóa, du lịch. Nếu được đầu tư đúng mức, có chiến lược phát triển và bảo tồn đúng hướng thì chợ nổi sẽ tránh được việc bị "chìm", thêm cơ hội cho du lịch phát triển và phát huy đúng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!