Đến hết quý I năm nay, cả nước có 149.000 lao động bị cắt giảm việc làm, tăng gần 13% so với quý trước. Trong khi với nhóm lao động trẻ, cơ hội tìm được công việc mới không quá khó khăn, với nhóm lao động trên 40 tuổi, đặc biệt là lao động phổ thông, không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghề nghiệp, cơ hội tìm việc làm mới không dễ dàng. Trong khi đây là nhóm đối tượng trong độ tuổi lao động, vẫn cần làm việc để có thu nhập duy trì cuộc sống.
"Bây giờ công việc rất ít, sửa chữa quần áo rất ít. Có khi không có người nào, có khi được vài người, một ngày được vài chục, không được bao nhiêu tiền", chị Đỗ Thị Bích Hường, 47 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội, chia sẻ.
Không được bao nhiều tiền, nhưng chị Hường vẫn phải duy trì công việc gần 2 tháng nay, lúc sửa quần, áo, lúc lại ra ruộng làm thêm việc đồng áng, kiếm thêm đồng ra đồng vào. 47 tuổi, sau nhiều năm đi làm công nhân ở Bắc Ninh, chị bị mất việc từ đầu năm.
Với nhóm lao động trên 40 tuổi, đặc biệt là lao động phổ thông, không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghề nghiệp, cơ hội tìm việc làm mới không dễ dàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Tôi cũng đã đi xin công ty khác, nhưng ít việc nên họ không nhận. Tôi cũng đi giúp việc, lau dọn nhà cửa, ai gọi là đi", Chị Đỗ Thị Bích Hường, 47 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội, chia sẻ thêm.
Xoay đủ việc để kiếm thêm thu nhập, phần đông lao động phổ thông trên 40 tuổi như chị Hường, vẫn đang loay hoay tìm kiếm việc làm khi công việc bị cắt giảm. Phần lớn người lao động ở lứa tuổi này cũng chưa biết sẽ định hình công việc tương lai như thế nào.
Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội, trong quý I đã tiếp nhận 15.500 hồ sơ, nộp để hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Người thất nghiệp ở đủ loại ngành nghề. Trong đó người lao động không có chứng chỉ, bằng cấp chiếm hơn 30%, không ít người lao động từ 40 tuổi trở lên.
"Người ở độ tuổi càng cao thì tỷ lệ tìm việc càng khó. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thì lao động phổ thông chỉ cần trẻ tuổi, có sức khỏe, làm việc tốt, có kỹ năng. Do vậy, độ tuổi trên 40 khó tìm được việc", bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội, thông tin.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng sự chuyển đổi ngành nghề, đào tạo lại lao động phổ thông nhằm duy trì việc làm. Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, nỗ lực không cắt giảm lao động; hạn chế tình trạng người lao động, hơn 40 tuổi mất việc, phải xoay xở với những công việc tự do.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!