Đã hơn 2 tháng kể từ khi 23 tỉnh, tức hơn 1/3 đất nước, thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 và đa số còn lại giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15. Tuần qua, tại một số địa phương không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, việc nới lỏng giãn cách đã được triển khai, nhằm từng bước thích ứng với dịch bệnh.
Bắt đầu từ ngày 15/9, Hải Phòng, Thái Bình cho kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ. Hải Phỏng cũng cho phép các vườn hoa, công viên, nhà hàng hoạt động trở lại nhưng không quá 10 người một chỗ và phải đóng cửa trước 22h.
Thanh Hoá cũng quyết định dừng thực hiện cách ly xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15 và 16 đối với huyện Nông Cống, Nga Sơn và TP. Thanh Hoá.
Quảng Ninh đã nới lỏng quy định cho người từ tỉnh ngoài về địa phương.
Từ ngày 18/9, Hải Dương cũng nới lỏng các biện pháp chống dịch cho phép các nhà hàng phục vụ tại chỗ.
Tại các vùng xanh ở thành phố Đà Nẵng, người dân được ra khỏi thể dục, thể thao tại nơi công cộng vào 2 tiếng buổi sáng và buổi chiều. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về.
Ở TP Hồ Chí Minh, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. UBND TP cũng bổ sung một số hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức.
Nhiều địa phương đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh minh hoạ.
Làm thế nào để một mặt không vì quá lo sợ mà giãn cách quá lâu, ảnh hưởng không cần thiết đến đời sống kinh tế-xã hội, mặt khác tránh được tâm lý nóng vội, chủ quan dẫn đến nới lỏng quá nhanh, khiến dịch bệnh bùng phát trở lại?
Trong chương trình Sự kiện và bình luận, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Trên thế giới có quốc gia vẫn theo đuổi chiến lược "zero COVID" nghĩa là phong tỏa rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhưng cũng có nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Âu Mỹ, nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao, chấp nhận việc có ca COVID nhưng không nặng... Một số khác tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao như Nhật Bản thì giữ hệ thống y tế để tránh ca tử vong.
Hình dung các tỉnh ở Việt Nam như trong một thế giới thu nhỏ. Có tỉnh chưa có F0 như Cao Bằng, nhiều tỉnh nhiều tháng nay chưa có F0, nhiều tỉnh có vài chục ca nhưng vẫn kiểm soát được; nhưng cũng có những nhóm địa phương vừa tỷ lệ mắc cao, vừa tỷ lệ tử vong cao.
"Vì thế, theo tôi, mỗi địa phương cần có kịch bản khác nhau để thích ứng an toàn với dịch bệnh, không nên cào bằng", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam trong chương trình Sự kiện và Bình luận sáng 18/9
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, kịch bản này cần dựa trên đáp ứng y tế, khống chế ca mắc, tỷ lệ tiêm vaccine.
Ông Phu cho biết, có những tỉnh hiện nay vẫn có thể áp dụng việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, có tỉnh, thành sẽ kết hợp vừa phong tỏa trong diện hẹp vừa tăng tỷ lệ tiêm vaccine như Hà Nội, Đà Nẵng. Tuy nhiên có những địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương có hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày nhưng vẫn phải tính đến chuyện nới lỏng vì phong tỏa quá lâu, áp lực kinh tế xã hội quá lớn.
"Tiêu chí kiểm soát dịch bệnh vẫn phải đặt lên hàng đầu và tuỳ từng địa phương đưa những phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh", PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để có biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh; thiết lập cơ chế an toàn gồm "di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn; sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc thích ứng với dịch bệnh đòi hỏi một lộ trình phải thật sự khoa học, chủ động và linh hoạt, bởi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường. Quán triệt tinh thần thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất. Tránh tâm lý sợ hãi đến mức làm tê liệt toàn bộ các hoạt động tại địa phương, nhưng cũng tránh chủ quan, duy ý chí, vội vã dẫn đến những hệ lụy khó lường. Mục tiêu tối thượng là phải đặt sự an toàn và tính mạng con người lên trên hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!