Làm sao để đột quỵ không tiếp tục ‘trẻ hoá’?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/09/2023 06:19 GMT+7

VTV.vn - Nhiều bác sĩ chuyên khoa gọi tình trạng "trẻ hóa" đột quỵ là thảm họa của cuộc sống hiện đại.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Mới từ đầu tháng đến nay, đã ghi nhận nhiều người bị đột quỵ là người dưới 40 tuổi. Số tuổi người mắc thì giảm còn số người nhập viện thì tăng. Đơn cử ở Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tháng vừa rồi tiếp nhận tới 100 bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ. Nhiều bác sĩ chuyên khoa gọi tình trạng "trẻ hóa" đột quỵ là thảm họa của cuộc sống hiện đại.

Số bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc đột quỵ năm nay tăng gấp đôi so với những năm trước. Số người trẻ bị đột quỵ chiếm tới 10% trong tổng số 200.000 ca đột quỵ/năm. Người Việt thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ người trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ, tăng trung bình 2% mỗi năm và đang có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50.

Làm sao để đột quỵ không tiếp tục ‘trẻ hoá’? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Xu hướng người bị đột quỵ ngày càng trẻ, nhưng nhiều người trẻ hiện chưa quan tâm đúng mức phòng bệnh này; thậm chí còn có những thói quen làm gia tăng nguy cơ này, mà không hề biết.

Thức khuya, tắm muộn, lười vận động hay thường xuyên ăn đồ nhiều dầu mỡ. Những thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến mạch máu não. Cho rằng mình còn trẻ, bệnh nhân không ngờ bị đột quỵ khi mới 30 tuổi. Dù trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Cuộc sống bận rộn hơn, công việc nhiều hơn, khiến nhiều người bị quá tải công việc, cùng với tình trạng ít vận động đang gây ra nguy cơ đột quỵ lớn hơn đối với người trẻ. Mỗi phút trôi qua, người bệnh đột quỵ có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não nếu chậm trễ cấp cứu. Vẫn biết là người đột quỵ phải được cấp cứu càng sớm càng tốt, nhưng thực tế việc cấp cứu người bệnh lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 ca mỗi năm. Điều kiện lý tưởng là khoảng 500 bệnh nhân trên một đơn vị điều trị đột quỵ. Điều này có nghĩa, Việt Nam cần 400 đơn vị đột quỵ trong những năm tới, ít nhất 200 cơ sở để quản lý 1.000 bệnh nhân mỗi năm.

Người bị đột quỵ dù còn trẻ thì bệnh nhân có qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống còn rất dài sau đó. Bởi lứa tuổi dưới 45 là lứa tuổi đang ở độ chín cả về thể chất lẫn tinh thần, đây cũng là lực lượng lao động có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, việc dự phòng đột quỵ ở những người trong độ tuổi này là hết sức cần thiết.

Bác sĩ Phùng Đình Thọ (Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai) là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 16/9 sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa

VTV.vn - Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong do đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước