Chuyển động 24h vừa qua đã phát sóng phóng sự phản ánh về tình trạng buôn bán hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu diễn ra tại chợ Ninh Hiệp, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Theo tiết lộ của một số tiểu thương và qua các vụ kiểm tra thực tế cho thấy, số hàng giả được kinh doanh, buôn bán chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ ở bên kia biên giới. Một thực tế không thể phủ nhận, khu vực địa bàn chợ Ninh Hiệp vẫn là nơi phức tạp về tình trạng buôn bán tiêu thụ hàng giả ra thị trường. Vậy công tác quản lý địa bàn của cơ quan chức năng đã được thực hiện như thế nào?
Theo lãnh đạo đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - đơn vị trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Gia Lâm, từ đầu năm đến nay, đã xử lý gần 100 vụ vi phạm liên quan đến bán hàng giả tại chợ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, vì nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng này vẫn rất lớn nên các tiểu thương tìm nhiều cách để tiếp tục kinh doanh.
Hàng hoá có dấu hiệu giả mạo bày bán công khai
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Chúng tôi cam kết với lãnh đạo cấp trên, từng cán bộ cam kết với chỉ huy đơn vị không để tình trạng công khai và tái vi phạm trên địa bàn, đảm bảo không có việc bày bán công khai hàng vi phạm".
Đối với các cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp nhưng nằm trên địa bàn thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, sau khi chứng kiến hình ảnh hàng hoá có dấu hiệu giả mạo bày bán công khai, Đội Quản lý thị trường số 2 - đơn vị trực tiếp phụ trách địa bàn đã đi kiểm tra. Trong buổi kiểm tra đó, chỉ phát hiện hơn 300 sản phẩm vi phạm. Còn báo cáo thống kê từ đầu năm đến nay, đơn vị này mới chỉ thu giữ được 636 sản phẩm gồm giày dép, quần áo, túi xách. Một con số còn khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực tế đã và đang diễn ra.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nội dung trên phóng sự qua đánh giá thực tiễn có thể trong thời điểm nào hoặc khoảnh khắc nào. Có thể khi nghe phóng sự đó họ lại cất đi".
Điều 192 Bộ luật Hình sự đã quy định tội buôn bán hàng giả với số lượng lớn, nếu bị phát hiện, ngoài xử phạt vi phạm hành chính thì còn có thể bị xử lý hình sự để nâng tính răn đe, cảnh báo. Tuy nhiên, dù kiểm tra xử lý các vụ trong năm rất nhiều lần, thế nhưng, hầu hết các vụ buôn bán hàng giả ở chợ Ninh Hiệp bị cơ quan quản lý thị trường phát hiện từ trước đến nay, đều chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Chủ hàng chấp nhận nộp phạt để tồn tại vì lợi nhuận từ hành vi phạm pháp này vẫn là rất lớn. Cũng bởi thế, việc bày bán công khai hàng giả thành cả kho như thế này cũng là điều dễ hiểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!