Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024

Vũ Hoàn-Thứ tư, ngày 22/11/2023 20:14 GMT+7

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc vào chiều ngày 21/11 có ông Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và các Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, Ngành liên quan.

Được biết, Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km). Theo báo cáo nghiên cứu từ tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, việc thiết kế cơ sở của hai dự án sẽ được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 17.200 tỷ đồng lên 18.120 tỷ đồng. Phần vốn Nhà nước vẫn giữ nguyên 6.500 tỷ đồng. Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng giảm từ 186,21 ha xuống 172,64 ha.

Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024 - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận chia sẻ tại buổi làm việc

Chia sẻ về dự án, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Đơn vị đề nghị Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề lớn của tỉnh gồm: Dự án cao tốc Bảo Lộc Liên Khương, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của tỉnh. UBND tỉnh Lâm Đồng mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ thêm về vốn để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp tỉnh sớm triển khai các bước tiếp theo. Phê duyệt quy hoạch nâng cấp sân bay Liên Khương và phê duyệt Quy hoạch cấp tỉnh. Đơn vị mong nhận được sự quan tâm tháo gỡ vấn đề liên quan đến đất nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn; Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt…

Đối với Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc Liên Khương, sau 3 năm nỗ lực triển khai, đến nay dự án đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Do địa hình dự án rất khó khăn nên tại bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi hướng tuyến có điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí, vì vậy phải thực hiện thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện Dự án. Đồng thời, UBND tỉnh bày tỏ mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm khởi công Dự án vào quý I/2024.

Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024 - Ảnh 3.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km).

Còn đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có một số vị trí liên quan đất quốc phòng (trên địa bàn các huyện Di Linh, huyện Đức Trọng) nên rất cần sự rà soát, tính toán cụ thể diện tích ảnh hưởng dự kiến phải thu hồi khi triển khai thực hiện Dự án. Ngoài ra, đơn vị cũng làm việc với các đơn vị quản lý đất quốc phòng để báo cáo Bộ Quốc phòng có ý kiến chấp thuận chính thức, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt dự án.

Về vốn đầu tư, Dự án hiện còn gặp khó khăn về nguồn vốn huy động do tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động lớn, giá cả các nguyên vật liệu tăng nhiều, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng đang ở mức cao,… dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án cao. Ngoài ra, thời gian thu phí hoàn vốn lớn cũng làm ảnh hưởng đến sự hấp dẫn và tính khả thi đối với các Nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.

Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024 - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương dự buổi làm việc

Trong điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để đảm phát huy hiệu quả của dự án và hoàn thành dự án theo kế hoạch. UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành xem xét đề xuất bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1) với kinh phí 2.500 tỷ đồng trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.

Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các Bộ, Ngành tiếp tục theo sát tình hình, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ khích lệ tỉnh cần đặt quyết tâm cao hơn nữa để tiếp tục nỗ lực triển khai dự án đúng tiến độ. "Trong quá trình triển khai, nếu tỉnh gặp khó khăn, chắc chắn Chính phủ sẽ tùy theo tình hình mà quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ".

Lâm Đồng: Dự kiến khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý I/2024 - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kiến nghị về việc nâng cấp cảng hàng không Liên Khương, Phó Thủ tướng bày tỏ ý kiến đặc biệt ủng hộ việc thúc đẩy nâng cấp để đồng bộ với sự phát triển chung của tỉnh và cho biết sẽ quan tâm có ý kiến để thúc đẩy sớm triển khai việc nâng cấp sân bay Liên Khương: "Lâm Đồng là địa phương thời gian qua quản lý đất nông lâm trường rất tốt, vấn đề là tới đây cần có tính toán để thu hồi những phần đất hoạt động không hiệu quả. Đồng chí yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại chính sách pháp lý để sớm xây dựng lại mô hình hoạt động hiệu quả, đảm bảo cả những vấn đề khác liên quan" - Phó Thủ tướng đánh giá.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã đưa ý kiến về việc một số vấn đề của tỉnh như định hướng hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần rà soát việc phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh, chính sách giải quyết tồn tại quỹ đất liên quan đến nông lâm trường, đề xuất đầu tư tuyến cao tốc kết nối Khánh Hòa và Lâm Đồng, định hướng nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương, chủ trương phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp, dịch vụ môi trường rừng,...

Riêng Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt và tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cần khuyến khích tỉnh triển khai, kêu gọi đầu tư hơn nữa. Qua đó, các bộ, ngành liên quan cũng nên bố trí vốn đầu tư vào giai đoạn 2025 - 2030. Đồng thời, phải nhắc nhở tỉnh sớm điều chỉnh những quy hoạch khác liên quan, đặc biệt là liên quan đến Dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt sao cho phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước