"Lá chắn thép" trên biển ngăn đại dịch COVID-19 xâm nhập

Trọng Ninh, Thanh Phong-Thứ ba, ngày 04/05/2021 13:28 GMT+7

VTV.vn - Trong khi biên giới đường bộ tạm thời được thắt chặt bằng hàng ngàn km hàng rào, chốt chặn thì đường biển mênh mông lại rất khó khăn để ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

Lo sợ dịch bệnh, không có việc làm, nhiều lao động Việt tìm cách trốn về nước bằng rất nhiều phương tiện: sà lan, ghe cá, tàu hàng. Họ thuộc những nhóm đối tượng khác nhau nên phải phối hợp nhiều lực lượng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Các đối tượng khi xâm nhập vào Việt Nam không đi theo đường Bắc đảo Phú Quốc mà lợi dụng vùng nước lịch sử đi về phía Tây đảo Phú Quốc, vòng xuống phía Nam và đi vào An Thới.

Tình trạng này cho thấy nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới biển vào Việt Nam rất đáng báo động. Khi biên giới đường bộ tạm thời được thắt chặt bằng hàng ngàn km hàng rào, chốt chặn, đường biển mênh mông lại không thể nào bịt hết các lỗ hổng ngăn sự xâm nhập trái phép của người và phương tiện qua biên giới biển. Đặc biệt là vùng biển Tây Nam, nơi tiếp giáp với một số nước láng giềng đang có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp.

Lá chắn thép trên biển ngăn đại dịch COVID-19 xâm nhập - Ảnh 1.

Trắng đêm săn tàu nhập cảnh trái phép trên biển

Nhận được mật báo lúc 22h, Hải đội 421 thuộc Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 lập tức xuống xuồng nhỏ tiếp cận. Do bị tắt các thiết bị liên lạc nên phải mất nhiều giờ sau cảnh sát biển mới tiếp cận được tàu vi phạm.

Một trong số 2 chiếc tàu đã bị lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực Bắc đảo Phú Quốc nơi tiếp giáp với nước láng giềng Campuchia. Lực lượng chuyên trách trên tàu cho biết có 5 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Thượng tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, ngư dân thuê phương tiện của Campuchia về lúc đêm tối để trốn tránh cách ly.

Khi hành trình lai dắt chiếc tàu vào bờ để bàn giao Biên phòng Kiên Giang còn dang dở thì 5h sáng, Hải đội 421 lại tiếp tục nhận thông báo có 1 chiếc sà lan chở theo 3 người nhập cảnh trái phép đang tiến vào vùng biển Việt Nam lúc 0h cùng ngày. Cuộc truy lùng tàu chở người nhập cảnh trái phép lại tiếp tục.

Đây chính là chiếc sà lan được thông báo chở người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Hình ảnh trên tàu cho thấy có 3 người, một phụ nữ và 2 đàn ông.

Cảnh sát biển vùng 4 cho biết, ranh giới đất liền từ Bắc đảo Phú Quốc sang nước bạn chỉ cách 3 km. Nếu trước đây, những người này thường sử dụng các phương tiện đánh bắt nhỏ trà trộn vào các tàu cá Việt Nam, sau đó tìm cách trốn lên bờ, thì nay do bị kiểm soát chặt hơn, họ đã thay đổi hướng di chuyển. Đây là thủ đoạn rất khó cho các lực lượng phát hiện truy tìm các tàu vi phạm.

Chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã phát hiện xử lý gần 10 vụ tương tự.

Theo thống kê của UBND TP Phú Quốc, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hòn đảo này đã chứng kiến 55 vụ nhập cảnh trái phép từ vùng dịch về, 163 trường hợp đã được đưa cách ly theo quy định. Hầu hết những người nhập cảnh trái phép về Việt Nam trong thời gian gần đây là những người Việt đi làm ăn xa, do dịch bệnh bùng phát, người bị mất việc phải tìm cách về nước tìm việc, tránh dịch bệnh, thậm chí, có người mang bầu cũng vội tìm cách chạy về nước.

Lý do họ trở về bằng con đường mạo hiểm như vậy là vì họ không được quan tâm khi đi khám bệnh vì bệnh viện toàn bệnh nhân COVID-19 hoặc do khu ở có quá nhiều người bệnh nên lo sợ tìm cách về nước, dù biết phạm pháp nhưng vẫn làm vì về Việt Nam sẽ được an toàn hơn. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì, việc phòng bệnh là quan trọng nhất.

Môi giới xuất nhập cảnh trái phép qua mạng xã hội

Có thể nói, biển Tây Nam đang là một bức tranh dậy sóng sóng về tình hình nhập cư trái phép. Đáng nói hơn, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để tổ chức đưa người vượt biên để thu lời. Nhiều người mất tiền cũng chỉ vì họ quá lo sợ. Trên một số trang mạng xã hội cũng đã xuất hiện sự móc nối câu kéo đưa người về nước với đủ hình thức, giá tiền.

Trên trang Facebook Hội người Việt tại Campuchia có rất nhiều người dành sự quan tâm đặc biệt, trong đó ghi rõ nhận đưa người từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại.

Lá chắn thép trên biển ngăn đại dịch COVID-19 xâm nhập - Ảnh 2.

Nhóm người thuê tàu nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Mới đây, Biên phòng Kiên Giang đã phát hiện một nhóm người thuê 2 chiếc xuồng nhỏ vượt biển trái phép từ Campuchia vào Phú Quốc với giá 150 - 350 USD/người. Chịu chơi hơn, 5 người phụ nữ này còn có chi ra 1.000 - 1.200 USD để thuê hẳn một chiếc tàu chở về nhưng tất cả đã bị phát hiện khi chưa kịp đặt chân lên bờ.

Tinh vi hơn, một số đối tượng chuyên tổ chức cho người nhập cảnh trái phép còn tiếp tay bằng cách làm giả giấy tờ, để ứng phó với các lực lượng tuần tra biển. Nếu không bị phát hiện, họ sẽ xâm nhập vào đảo; còn ngược lại, họ sẽ xuất trình các giấy tờ đó ra để hợp thức cho việc nhập cảnh trái phép.

Người dân chủ quan trước dịch bệnh COVID-19

Trong khi làn sóng đại dịch đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, bên cạnh đa số những người có ý thức phòng bệnh, vẫn có một bộ phận người dân còn chủ quan trước đại dịch. Ngay tại các một số hòn đảo nơi đang chịu áp lực về tình trạng người nhập cảnh trái phép, ngư dân, nhân viên nhà hàng và người dân đảo cũng tỏ ra rất thờ ơ.

Có lẽ những cư dân đảo này còn thiếu những thông tin về mối đe dọa của dịch bệnh đối với họ khi có người còn coi việc đeo khẩu trang phục vụ khách là mất lịch sự hay chỉ cần đứng ra ngoài nắng chịu đen chút là không sợ bệnh.

"Lá chắn thép" ngăn đại dịch trên biển

Trước mối đe dọa bùng phát dịch bệnh mà nguy cơ lại chủ yếu là từ bên ngoài vào, để ngăn chặn được làn sóng nhập cảnh trái phép, trước hết, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phải tạo ra những lá chắn vững chắc để hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Lá chắn thép trên biển ngăn đại dịch COVID-19 xâm nhập - Ảnh 3.

Vùng biển Tây Nam, nơi tiếp giáp với một số nước ASEAN, phía bên này là Việt Nam còn phía bên kia là Campuchia, là điểm nóng về tình trạng nhập cảnh trái phép từ một số nước làng nước láng giềng vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

"Tấm lá chắn" vòng ngoài cùng với sự tham gia của lực lượng Cảnh sát biển vùng 4 và Hải quân vùng 5 túc trực 24/24h, bất cứ một phương tiện nào từ phía bạn đi qua đường phân định 2 nước sẽ lập tức bị kiểm tra. Nơi có vùng nước lịch sử cũng chính là khu vực thường xuyên có tàu chở người nhập cảnh trái phép.

Tại Cảng An Thới, đảo Phú Quốc, "tấm lá chắn" biên phòng và công an cùng các biện pháp an ninh đang siết chặt, tất cả thuyền viên đánh bắt xa bờ về đều được kiểm tra đối chiếu danh sách.

Cùng với 2 "tấm lá chắn" bên ngoài, Phú Quốc đã thành lập các tổ đội dân phố, dân phòng cùng nhân dân căng mắt quyết không để lọt người nhập cảnh trái phép lên đảo.

Với thế trận 3 vòng "lá chắn" - vòng ngoài là cảnh sát biển, hải quân và kiểm ngư; vòng trong là biên phòng, công an; trên bờ là các tổ đội dân phố, hi vọng làn sóng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài sẽ bị chặn đứng từ ngoài khơi xa.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch dọc biên giới Tây Nam đang thể hiện quyết tâm siết chặt tuần tra 24/24h, kiểm soát kịp thời ngăn chặn tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước