Wolbachia là 1 loại vi khuẩn quen thuộc có trong 60% các loại côn trùng. Các nghiên cứu cho thấy khi muỗi vằn mang vi khuẩn này sẽ giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya và sốt vàng da ở người.
Trứng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đóng trong các viên con nhộng, kèm theo thức ăn cho muỗi được thả vào hộp dung dịch giúp trứng muỗi sớm nở. Sau khi nở, chúng sẽ kết hợp với muỗi tự nhiên để sản sinh ra các thế hệ muỗi tiếp theo cũng mang vi khuẩn wolbachia, giúp hạn chế lây lan sốt xuất huyết. Là một điểm nóng của dịch sốt xuất huyết với khoảng 6.000 ca nhiễm mỗi năm, Bình Dương rất kỳ vọng vào phương pháp mới này.
Mỗi tuần, Bình Dương sẽ thả 1,5 triệu trứng, kéo dài liên tục trong 5 tháng tại gần 3.000 điểm. Sau đó các nhà khoa học sẽ ngưng thả muỗi và để quần thể muỗi này tự sinh sôi dưới sự quan sát trong vòng 1,5 năm tiếp theo.
Để đưa muỗi mang Wolbachia ra tự nhiên ở phía Nam, các nhà nghiên cứu dự án đã làm việc tích cực hơn 1 năm qua. Ngoài việc giúp người dân hiểu và ủng hộ phương pháp mới này, việc quan trọng nhất là đảm bảo những con muỗi được thả ra môi trường phải có chất lượng tốt nhất. Vì thế, tất cả các khâu trong phòng thí nghiệm, từ đếm lăng quăng, tách nhộng, cho muỗi hút máu, thu thập trứng… luôn được kiểm soát chặt chẽ và đạt chuẩn.
Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, sau khi chứng minh được muỗi mang Wolbachia sống và phát triển được trong tự nhiên ở phía Nam, dự án này sẽ mở rộng từng bước. Sau Bình Dương sẽ là Tiền Giang.
TS. Claudia Surjadjaja, Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương, cho biết: "Sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhanh nhất với 40% dân số thế giới có khả năng bị ảnh hưởng. Chúng tôi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng phương pháp Wolbachia là một phương pháp hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết. Một thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng được thực hiện ở Yogyakarta, Indonesia gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực được thả muỗi vằn mang Wolbachia giảm 77% so với các khu vực không thả muỗi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!