Suốt nhiều thập kỷ qua, bà Vũ Thị Tuyết Nhung - người phụ nữ Hà thành đã ngoài 60 tuổi, vẫn luôn gìn giữ các kỷ vật ngày Tết của người thân quá cố như một cách lưu lại những ký ức tươi đẹp nhất của đời người - ký ức về căn bếp cũ in đậm dáng hình của bà, của mẹ, cùng không khí quây quần, háo hức chuẩn bị cho dịp Tết mỗi năm chỉ có một lần.
"Đối với tôi, những kỷ vật làm bếp của mẹ gắn bó với mình nhiều nhất, từ lúc bé thơ cho đến lúc trưởng thành. Nó đẫm màu không gian phố cổ", bà Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Biên tập Văn hóa - Xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, chia sẻ, "đây là muôi nhôm đúc nấu canh. Mỗi lần nhìn thấy, tôi lại nhớ đến dáng mẹ tần tảo, vất vả. Mâm đồng chỉ được dùng vào các dịp lễ, Tết. Tôi rất nhớ kỷ niệm lúc đánh mâm đồng, nó sáng rực lên và màu sắc choáng lộng, rực rỡ. Nó khiến mình náo nức và nghĩ đến những món ăn mà gia đình tằn tiện, dành dụm trong suốt những ngày thường, để khi đến giỗ, đến Tết tụ hội bên nhau".
Mỗi kỷ vật chứa đựng các giá trị thiêng liêng về gia đình.
Mỗi kỷ vật chứa đựng các giá trị thiêng liêng về gia đình, đó là khoảnh khắc đoàn viên, là truyền thống, nếp sinh hoạt được vun đắp và trao truyền qua các thế hệ.
"Tôi rất nhớ khung cảnh làm cỗ Tết ở ngoài sân, cạnh bể nước, người rửa lá dong, người vo gạo, đánh gấc. Ở trong bếp, người xếp mứt, nấu măng, bắc chõ đồ sôi. Một chậu nước đun lá mùi già cho mọi người tắm, đông vui náo nức.
Tết là để nhung nhớ, để hoài niệm. Dù bận rộn thế nào, vẫn có những thời gian lắng đọng để mình suy nghĩ đến sự truyền nối, đến truyền thống gia đình, dòng họ, nó có một sức mạnh, nó khiến mình có động lực duy trì được truyền thống ấy", bà Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ thêm.
Những phút giây sum họp là hữu hạn, bởi chúng ta không thể giữ mãi người thân bên cạnh mình, chỉ còn kỷ vật ở lại, nhắc nhở mọi người hãy luôn trân trọng truyền thống gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!