Nằm mãi trong ký ức ông Đỗ Ca Sơn (91 tuổi, chiến sĩ Điện Biên Phủ) là chiếc áo trấn thủ mà đồng đội hy sinh để lại. Hàng nghìn chiếc áo như vậy gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã được ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt.
Giữa năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, trong bộn bề những công việc lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm tới những việc nhỏ nhưng thiết thực. Người đã phát động phong trào "Mùa đông binh sĩ" với lời kêu toàn dân ủng hộ áo ấm cho chiến sĩ. Tháng 11/1946, Hồ Chủ tịch đã bán đấu giá chiếc áo sợi duy nhất của mình để góp vào quỹ cho phong trào. Ông Trương Văn Thìn, một nhà tư sản Hà Nội đã mua được chiếc áo của Bác với giá 3.500 đồng Đông Dương, tương đương với 200 cây vàng lúc bấy giờ.
Tháng 11/1946, nhân dân Hà Nội đã quyên góp được trên 30 vạn đồng Đông Dương vào quỹ để may áo ấm, cung cấp len, bông đủ làm trên 50.000 lõi bông và vỏ áo ấm.
Áo trấn thủ dễ may, dễ mặc, bên ngoài bằng vải, trong lót bông; đường khâu hình ô quả trám; có hai mảnh trước sau, sát người giữ ấm, áo ngắn và không tay dễ vận động, phù hợp hoàn cảnh chiến tranh.
"Này người ơi có thấy phút nào
Từng bạn tôi anh dũng máu trào
Màu cờ loang trên áo...
Này người ơi có thấy phút nào
Từng đoàn quân khâu áo nhuốm đào
Thành cờ cuốn lên cao".
Những chiếc áo tạo nên sức mạnh của người chiến sĩ, cùng họ "nếm mật, nằm gai", "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" để đi tới Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Hình ảnh chiếc áo sẽ mãi đi vào lịch sử như một kỷ vật thiêng liêng của những trái tim yêu nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!