75 thương bệnh binh nặng đang sống, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Kim Bảng thì có đến 30 người đặc biệt nặng.
Bị thương từ 81% trở lên, nhiều người được coi là những liệt sĩ sống khi hầu như toàn bộ sức sống họ đã gửi lại nơi chiến trường. Họ có thể bị thương vào đầu, có thể do sức ép bom mìn mà giờ đây mắc chung một chứng bệnh: Tâm thần mãn tính. Có những người không còn nhớ nổi mình là ai, nhà mình ở đâu. Trung tâm điều dưỡng trở thành nhà, người thân là các y bác sĩ, là đồng đội.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà đã công tác tại trung tâm hơn 20 năm. Bố của chị cũng là một thương binh nặng, từng điều trị tại chính nơi chị đang làm việc.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà chai sẻ: "Tuổi thơ mình đã chứng kiến rất nhiều những cơn rối loạn của bố. Khi đó, bố đánh tất cả mọi người, bố không phân biệt được ai là kẻ thù. Mẹ hướng mình theo nghề y để chăm sóc bố".
Cũng giống như chị Hà, nhiều cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây lựa chọn nghề nghiệp như một cách thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn với người cha của mình và đồng đội của ông.
Họ hiểu rằng: ngoài kiến thức ngành Y thì quan trọng hơn cả là tình thương yêu, sự thấu hiểu và nhẫn nại .
Hàng nghìn người đã đến, đi và nằm lại nơi các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng trên khắp đất nước. Có những thương bệnh binh không người thân, nằm lại nơi đây cũng như là đã tìm được về nhà, giữa vòng tay những người thân yêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!