Việc giao nộp vũ khí tự chế nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe của người dân
Cụ thể, trong hai ngày 20 và 21/10, các đồn Biên phòng Ia Đal, Ia Dom, Hồ Le, Sa Thầy, Sê San đã vận động người dân sống trên địa bàn giao nộp 73 khẩu súng các loại, trong đó có 64 khẩu súng kíp, 8 khẩu súng côn, 1 khẩu súng PCP cùng 9 nòng súng kíp, 2 nụ xòe, 140 viên đạn chì. Đa số các loại súng này là do người dân tự chế để phục vụ cho việc săn bắn trái phép.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết: "Thời gian tới, đồn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt biên giới; nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, triển khai các kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm trên ở khu vực biên giới. Cùng với đó, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trao đổi thông tin, quản lý địa bàn, đối tượng; thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo."
Các cá nhân tự giác giao nộp vũ khí tự chế cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum.
Suốt thời gian qua, lực lượng chức năng đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự giác giao nộp và thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Các trường hợp cố tình vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng vận động người dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép để thu hồi hoặc đấu tranh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tích cực tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí các loại.
Để người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, tại các cuộc họp thôn, các chiến sĩ ở các đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua tuyên truyền, đã giúp nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm công dân, không tham gia tiếp tay cho tội phạm. Ngoài ra, người dân tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng chức năng khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Được biết, cư dân khu vực biên giới do các Đồn Biên phòng Ia Đal, Ia Dom, Hồ Le, Sa Thầy, Sê San quản lý chủ yếu là công nhân làm cao su, đời sống còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, một bộ phận là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số di cư có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!