Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Sở qua các thời kỳ liên quan đến Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND và 2096/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh. Qua cuộc kiểm điểm, 5 người là Giám đốc, Phó Giám đốc, nguyên Giám đốc, nguyên Phó Giám đốc Sở kiến nghị hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, vì đã để xảy ra phá 777,22 ha rừng khi thực hiện 19 dự án đầu tư trên địa bàn trong giai đoạn từ 1992 đến nay.
Cụ thể theo Báo cáo số 364/BC-SNN ngày 13/12/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm điểm các tồn tại, sai phạm liên quan đến tình trạng phá rừng phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư theo các Kết luận thanh tra. Kết quả kiểm điểm cho thấy tại huyện Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất rừng đến ngày 30/6/2019, đã có 17 dự án để xảy ra phá 677,56ha rừng, trong đó có trên 457ha thuộc 16 dự án chưa xử lý.
Tại hai dự án để mất 99,96 ha rừng khác xảy ra tại huyện Lâm Hà: Công ty địa ốc Việt R.E.M.A.X để mất 0,6ha rừng do không thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, không triển khai dự án và không hoàn thành các thủ tục có liên quan. Hiện UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi diện tích đất trên, giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Việc Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai thuê đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, để mất 99,36 ha rừng trồng của đơn vị, là vốn tự có của doanh nghiệp. Trách nhiệm này không thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do từ năm 1999, việc quản lý đất lâm nghiệp đã giao cho Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trách nhiệm để xảy ra mất rừng thuộc về doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng. Đa phần việc mất rừng xảy ra trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp mới nhận bàn giao, thiếu kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ. Nguyên nhân khác do vai trò của chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn.
Sau các vụ việc trên, năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp Hội đồng kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và các công chức có liên quan; kỷ luật với hình thức khiển trách 6 công chức, kiểm điểm phê bình 5 công chức khác. Năm 2015 xử lý kỷ luật 3 công chức với hình thức cảnh cáo, khiển trách 4 công chức và kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm 13 công chức.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi 194 dự án với 29.676 ha đất rừng do doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ, không tổ chức bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; tham mưu cho UBND tỉnh tạm ngưng thu hút đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng…
Đối với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các thời kỳ giai đoạn từ năm 1992 đến nay, ngoài một nguyên Giám đốc Sở đã mất, các lãnh đạo bị kiến nghị hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm gồm ông Phạm Văn Án, nguyên Giám đốc Sở liên quan giai đoạn 2003- 2012; ông Lê Văn Minh, nguyên Phó Giám đốc, Giám đốc Sở liên quan giai đoạn 2005- 2016; ông Bùi Văn Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở liên quan giai đoạn 2013- 2015.
Ông Nguyễn Văn Sơn, hiện là Giám đốc Sở nhận trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư liên quan giai đoạn 2016- 2019. Ông Võ Danh Tuyên hiện là Phó Giám đốc Sở, nhận trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực liên quan giai đoạn 2017- 2019. Cả hai ông kiến nghị hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!