Ngày 2/8, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau hơn một tuần điều trị liên cầu lợn, sức khỏe bệnh nhân N.V.A. (51 tuổi, thợ nề, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đã ổn định.
Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 14/7 với biểu hiện đau đầu, sốt, rét run, đau bụng. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (liên cầu lợn) vào ngày 23/7.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân và gia đình không ăn thịt heo, sản phẩm chế biến từ thịt heo. Trước khi nhập viện 2 ngày, ông A. có ăn bánh ướt với thịt heo cùng với một số người làm nghề xây dựng. Khu vực nhà bệnh nhân và các hộ lân cận có nuôi heo nhưng vẫn bình thường. Các thành viên gia đình và những người ăn cùng bữa ăn với ông A. đều khỏe mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xử lý vệ sinh môi trường bằng hóa chất Chloramin B 25% với nồng độ 5% tại khu vực nhà bệnh nhân; đồng thời đề nghị y tế thôn và trạm y tế xã Quảng Phú thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện người dân có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, người mệt mỏi, da xung huyết thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngành y tế địa phương khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi, không ăn thịt lợn chết không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh. Tuyến y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền người dân không được giết mổ gia súc bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; dùng xà phòng rửa sạch các dụng cụ chế biến thực phẩm sau khi chế biến.
Từ năm 2020 đến nay, Thừa Thiên - Huế mới xuất hiện ca bệnh liên cầu lợn trở lại. Tình hình bệnh truyền nhiễm ở tỉnh năm nay diễn ra phức tạp so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 781 ca mắc sốt xuất huyết (1 ca tử vong), tăng 631 ca; 10 ca ho gà, tăng 10 ca; 71 ca tay, chân, miệng, tăng 60 ca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!