Khoảng 2,2 triệu người đã di chuyển về quê

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 29/12/2021 13:47 GMT+7

(Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Thị trường lao động việc làm đã chịu tác động mạnh từ làn sóng COVID-19 thứ 4.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả tổng hợp nhanh từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. 

Như vậy so với tổng hợp ở thời điểm 15/9, đã có thêm khoảng 900.000 di chuyển từ những vùng kinh tế lớn về các địa phương.

Trong tổng 2,2 người di cư, nữ chiếm 839.500 người, chiếm 37,5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%. Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447.100 người; từ TP Hồ Chí Minh là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.

Khoảng 2,2 triệu người đã di chuyển về quê - Ảnh 1.

Theo Tổng cục Thống kê đã có khoảng 2,2 triệu người di chuyển từ các vùng kinh tế lớn về quê (Ảnh: TTXVN)

Tổng cục Thống kê cho biết, theo báo cáo các Sở LĐ-TB&XH, đã có sự dịch chuyển trở lại lao động về các trung tâm kinh tế lớn. Nhưng theo ghi nhận của Tổng cục này đó chỉ là sự dịch chuyển với các doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ tình hình vẫn chưa được cải thiện. 

“Sự di chuyển trở lại phụ thuộc vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, chính sách an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương. Cần có thời gian bởi các lao động đang nghe ngóng khi họ đã trở về quê và yên ổn”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết.

24,7 triệu người bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Cũng liên quan đến thị trường lao động theo ông Phạm Hoài Nam, có đến 24,7 triệu người chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19. 

Trong đó có 2,3 triệu người bị mất việc làm; 12,4 triệu triệu người tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 16,9 triệu người bị giảm thu nhập…

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.

“Đây là bức tranh không mấy sáng sủa”, ông Nam nhấn mạnh.

Khoảng 2,2 triệu người đã di chuyển về quê - Ảnh 2.

Thu nhập người làm công ăn lương năm 2021 giảm 0,7% so với năm 2020

Ông Nam cho biết dịch bệnh đã khiến lao động trong hầu hết các ngành suy giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. 

“Lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng ở mức 16,3 triệu người - giảm hơn 250,3 nghìn người so với năm trước. Khu vực dịch vụ 18,6 triệu người - giảm 800.000 người so với năm trước; chỉ duy nhất khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 33,2 nghìn lao động (đạt 14,2 triệu người).

Ngoài ra, thu nhập người làm công ăn lương năm 2021 giảm 0,7% so với năm 2020. Đa số các ngành đều giảm thu nhập, trong đo ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống giảm nhiều nhất.

Đến quý IV/2021, với việc phủ vaccine kết hợp các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, thị trường lao động có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên với ảnh hưởng nặng nề của các quý trước vẫn làm cho lao động tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục giảm so với năm trước. Cũng như làm cho cơ cấu lao động có sự chuyển dịch nhẹ. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước