Khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành lang đường sắt

Thùy Dương, Phùng Định-Thứ sáu, ngày 21/06/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Dù cơ quan chức năng đã liên tục ra quân xử lý vi phạm, việc xử lý gặp nhiều khó khăn do các tuyến đường sắt đều nằm ở khu vực giáp ranh giữa nhiều phường.

Việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt đang trở thành một vấn đề nan giải. Mỗi nơi chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt một kiểu. Có chỗ chống chế, chấp hành quy định theo kiểu đối phó, chỗ lại thản nhiên biến đất đường sắt thành của riêng. Theo quy định, phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn đối với nền đường không đào, không đắp là phần đất dành cho đường sắt rộng khoảng 8,6m. Tuy nhiên, thực tế không phải tuyến đường nào cũng có hành lang đạt chuẩn, đặc biệt là trong khu vực nội đô, rất khó để áp dụng luật. Thêm vào đó, đất của đường tàu đã hình thành từ lâu, khiến việc xử lý triệt để các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt càng trở nên nan giải.

Tại khu vực bệnh viện Bạch Mai, ngày cũng như đêm, khu vực này trở thành điểm nóng về vi phạm hành lang đường sắt. Đây là mảnh đất béo bở để các hàng quán vỉa hè tập kết. Thế nhưng, khi phát hiện lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh lập tức chạy tán loạn.

Đại úy Nguyễn Đình Thuyên, Tổ Cảnh sát trật tự, Công an phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Chưa đảm bảo để có thể 24/24 nên cũng có những lúc anh em không có ở đây thì vi phạm tiếp diễn. Chúng tôi đã tuyên truyền nhắc nhở và xử lý các vi phạm, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn".

Dù cơ quan chức năng đã liên tục ra quân xử lý vi phạm, việc xử lý gặp nhiều khó khăn do các tuyến đường sắt đều nằm ở khu vực giáp ranh giữa nhiều phường. Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội cho rằng: "Do giáp ranh nhiều nên không thể kiểm soát hết được. Cần giải tỏa các hộ dân nằm gần hành lang an toàn đường sắt không đảm bảo. Đoạn đường sắt nội đô không nhiều nên theo chúng tôi, nên bỏ đoạn đường sắt trong nội đô, chuyển hết ga ra ngoại ô để đảm bảo tuyệt đối an toàn".

Theo quy định, mức xử phạt trung bình đối với các hộ kinh doanh chiếm dụng lòng đường, hè phố chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, còn với các cá nhân bán hàng rong là 150.000 đồng/trường hợp. Chế tài xử phạt thấp nên dễ hiểu vì sao các vi phạm vẫn cứ tái diễn. Trường hợp chủ quán café để du khách nhảy múa trước đoàn tàu đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, khi sự việc lắng xuống thì mọi việc lại trở về như cũ. Do đó, cần phải có những quy định siết chặt hơn để tình trạng này được kiểm soát, tránh rủi ro không đáng có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước