Sau nhiều ngày đắn đo, anh Bùi Đình Bình đành phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần, khoản tiền cuối cùng anh có thể trông cậy. Tháng 9 năm ngoái, anh xin nghỉ việc tại Công ty TNHH Châu Tiến do mắc bệnh bụi phổi silic. Hiện anh không đủ sức khỏe để làm bất cứ công việc gì. Tiền trang trải cuộc sống còn thiếu, chứ chưa nói đến tiền chữa bệnh.
Chồng chị Ngô Thị Hà làm việc được 2 năm thì mắc bệnh. Gia đình vay mượn, cố gắng để anh được sống trong ngôi nhà mới khang trang những ngày cuối đời. Giờ người mất thì đau đớn. Người ở lại thì muôn vàn khó khăn.
Chị Ngô Thị Hà - vợ công nhân Trần Trọng Thi (đã mất) - xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An- chia sẻ: "Lương 5,5 triệu, mất thì công ty cho người lên thắp hương 3 triệu, thăm bệnh nhân nặng 2 triệu".
Những khoản hỗ trợ chỉ dừng lại đó dù kinh phí điều trị gấp nhiều lần. Bởi theo lý giải của đại diện công ty: "Những công nhân đều đã nghỉ việc vài tháng đến 1 năm rồi mới khám bệnh, chưa thể kết luận là có phải do làm việc tại đây hay không…".
Thế nhưng giải thích này lại mâu thuẫn với Luật vệ sinh an toàn lao động.
Vào tháng 10, kết quả quan trắc môi trường tại Công ty TNHH Châu Tiến cho thấy hàm lượng bụi silic tự nhiên lên đến trên 99% - nguy cơ rất cao gây ra bệnh bụi phổi silic. Nhưng công nhân thậm chí còn không được trang bị khẩu trang.
Luật là vậy nhưng hơn sau hơn 20 năm hoạt động, đến tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Châu Tiến lần đầu tiên bị phạt hơn 100 triệu đồng, do không tiến hành quan trắc môi trường lao động và không tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Còn trách nhiệm thuộc về ai đối với 5 công nhân tử vong và những công nhân đang sống mòn từng ngày với căn bệnh bụi phổi silic, thì vẫn đang được bỏ ngỏ.
Ngày mai, Sở Y tế Nghệ An phối hợp với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế sẽ tổ chức khám sức khỏe cho hơn 100 người lao động từng làm việc tại Công ty Châu Tiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!