Những ngày này chúng ta nói nhiều về giáo dục, nhưng đáng buồn đó là những câu chuyện đau lòng - những câu chuyện mà ai biết đến cũng cảm thấy như có một thứ gì đang bóp nghẹt trái tim và đắng chát nơi cuống họng.
Đó là câu chuyện của một học sinh lớp 3 bị phạt uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng.
Đó là câu chuyện của một nữ sinh lớp 11 không thể ngừng khóc khi nói ra việc cô giáo dạy Toán nhưng không giảng bài suốt 3 tháng trời ở TP. HCM.
Đó là câu chuyện của một nam sinh lớp 12 đã đâm chính thầy giáo của mình trọng thương ở Quảng Bình.
Điều gì đã khiến những câu chuyện này xảy ra?
Phải chăng đó chính là nỗi sợ? Một nỗi sợ rất hiện hữu, rất rõ ràng trong môi trường giáo dục, một nỗi sợ mà khiến khoảng cách giữa giáo viên và học sinh cứ thế xa dần.
Nỗi sợ cô giáo đã khiến cho một học sinh lớp 3 không thể khước từ trước mệnh lệnh: "Uống nước giặt giẻ lau bảng" và em đã buộc phải hành động, là uống thứ nước đó - thứ nước mà chỉ nghĩ đến thôi, bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng không khỏi xót xa.
Học sinh lớp 3, trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) bị cô giáo phạt uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng.
Cũng là nỗi sợ giáo viên, nhưng theo một cách khác lại biến hàng chục học sinh lớp 11 ở trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM thành những con người cam chịu. Và chắc chắn những tiết học trôi qua là cả chuỗi những giây phút nặng nề khi cô giáo không hề mở lời để giảng bài cho các em. Suốt 3 tháng trời, không một học sinh nào có thể can đảm nói ra điều vô lý và phản giáo dục ấy. Chỉ đến khi tại một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, một học sinh đã phải bật khóc khi kể về điều này. Điều gì khiến một nỗi sợ chôn kín suốt 3 tháng trời đã biến thành hành động khi em dũng cảm nói ra trong nước mắt đó? Phải chăng đó là bởi những ấm ức đã kéo quá dài?
Em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè, TPHCM) bật khóc kể trong lớp có cô giáo môn Toán khi lên bục giảng "không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài".
Một câu chuyện đau lòng khác là chỉ mới ngày hôm qua thôi, một nam sinh đã dùng dao đâm chính thầy giáo của mình. Thầy giáo bị trọng thương đã qua giai đoạn nguy hiểm. Nam sinh hiện vẫn bỏ trốn. Chưa ai có thể gặp được em để hỏi điều gì đã khiến em hành động như vậy. Nhưng điều chúng ta cần phải suy ngẫm, học sinh này là một lớp trưởng. Vậy liệu có phải hành động bộc phát ngông cuồng đó là chính là từ nỗi sợ xấu hổ, bị dè bỉu, khinh thường từ các bạn khi em bị thầy nhắc nhở phải xoá hình xăm trên cơ thể mình ngay trước lớp?
Thầy giáo điều trị tại bệnh viện sau khi bị học sinh đâm trọng thương.
Liệu có bao giờ khi đọc những câu chuyện này, trong chúng ta tự hỏi, điều gì đã khiến những nỗi sợ cứ xâm chiếm những học sinh, khiến các em buộc phải biến mình thành những kẻ cam chịu, nhút nhát hay rất bồng bột?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một môi trường giáo dục bình đẳng hơn, môi trường mà giáo viên và học sinh là những người bạn, chứ không phải là kẻ ra mệnh lệnh và kẻ phục tùng.
Đến lúc đó, thì những câu chuyện giáo viên buộc phải rời khỏi ngành hay học sinh phải chuyển trường sẽ không còn là những giải pháp tình thế nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!