Khám sức khỏe phát hiện ung thư tuyến giáp không triệu chứng

Nguyễn Trăm-Thứ năm, ngày 11/05/2023 08:00 GMT+7

VTV.vn - Để xác định chính xác ung thư tuyến giáp không triệu chứng, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh dùng kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ (FNAC) dưới hướng dẫn của siêu âm.

Cắt tuyến giáp mà vẫn giữ được giọng nói, tôi mừng lắm" - đó là câu nói đầu tiên của chị N.T.A.T. (53 tuổi, Quận 5) với thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường và thạc sĩ bác sĩ Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh trong ngày tái khám 5/5. Sức khỏe chị T. ổn định, vết thương khô, dần lành lặn, giọng nói trong trẻo, không khàn.

Bác sĩ Trâm nhận định: "Chị T. phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm nên điều trị thuận lợi, không ảnh hưởng đến tuổi thọ và có cuộc sống như người bình thường".

Ung thư không triệu chứng

Trong đợt khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức, chị T. phát hiện thùy trái tuyến giáp có nhân, nghi ngờ ung thư. Tiếp tục khám ở 2 bệnh viện lớn tại TP.HCM, kết quả như chẩn đoán ban đầu. "Tôi vẫn không tin mình bị ung thư tuyến giáp, bởi không có dấu hiệu nào. Tôi vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường" - chị T. kể lại.

Khám sức khỏe phát hiện ung thư tuyến giáp không triệu chứng - Ảnh 1.

Bác sĩ Trâm khám và điều chỉnh liều thuốc hormone cho người bệnh. Ảnh: Nguyễn Trăm

Tuy nhiên cách đây 10 năm, chị gái của chị T. cũng mổ ung thư tuyến giáp và có dấu hiệu nuốt khó rõ ràng. Vì chị T. không có triệu chứng ung thư nên rất hoang mang. Qua tham khảo nhiều thông tin từ người thân, đồng nghiệp, chị T. quyết định đến BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh khám thêm lần nữa.

Vào tháng 4/2023, tiếp nhận người bệnh, thạc sĩ bác sĩ Lê Thị Ngọc Hằng cầm hồ sơ bệnh án, quan sát thấy vùng cổ phình to, có khối di động theo nhịp nuốt.

Để xác định có hay không bướu tuyến giáp, bác sĩ Hằng chỉ định siêu âm, kết quả ghi nhận thùy trái tuyến giáp có bướu, kích thước 6.6cm, không tăng sinh mạch máu, nghi ngờ xâm lấn vỏ bao mặt sau. Trên siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến giáp nên người bệnh được chọc hút bướu tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNAC) xâm lấn tối thiểu, ít đau, diễn ra nhanh chóng dưới hướng dẫn của hình ảnh siêu âm cho kết quả nghi ngờ Carcinom dạng nhú (nhóm V theo Bethesda - ung thư tuyến giáp dạng nhú).

Người bệnh cần phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Bác sĩ Hằng nhận định và tư vấn các biến chứng có thể xảy ra như bị khàn tiếng, giọng nói khào khào, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống; nếu người bệnh làm nghề nghiệp cần nhiều giọng nói như giáo viên hay dẫn chương trình có thể sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp; bị chảy máu trong 24 - 48 tiếng sau mổ; tê yếu tay, chân do phẫu thuật tác động đến tuyến cận giáp; tụ dịch tại lỗ gây sưng, phù nề vùng cổ.

Thành công nhờ cắt và cầm máu cùng lúc

Bác sĩ Hằng và ê kíp bác sĩ Trung tâm Tim mạch phẫu thuật cắt tuyến giáp cho chị T. Vì tuyến giáp nằm phía trước cổ, dính liền là 2 tuyến cận giáp trên và 2 tuyến cận giáp dưới; phía sau tuyến giáp là dây thần kinh quặt ngược thanh quản (chi phối cho giọng nói); do đó êkíp cẩn trọng, rạch da cổ, khéo léo đưa dao Harmonic tỉ mỉ cắt toàn bộ tuyến giáp. Việc sử dụng dao siêu âm (Harmonic Scaple) đã chứng tỏ tính ưu việt vượt trội trong phẫu thuật bướu giáp so với các phương pháp thông thường trước kia. Cụ thể là giảm tỉ lệ chảy máu, giảm thời gian phẫu thuật, ít gây tổn thương mô xung quanh, có thể thể bóc tách khéo léo kiểm soát việc tổn thương các cơ quan quan trọng như thần kinh quặt ngược thanh quản, tuyến cận giáp, các mạch máu… Sau 90 phút, bác sĩ Hằng thông báo: "Cuộc phẫu thuật hoàn thành".

Khám sức khỏe phát hiện ung thư tuyến giáp không triệu chứng - Ảnh 2.

Bác sĩ Hằng và ê kíp bác sĩ Trung tâm Tim mạch phẫu thuật cắt tuyến giáp cho chị T. Ảnh: Nguyễn Trăm

Ngay trong những giờ đầu sau mổ, chị T. đã có thể cất giọng nói trong trẻo như xưa. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật đều ít nhiều tác động đến tuyến cận giáp khiến chị tê nhẹ ở tay, chân. Vết thương được băng lại bằng miếng gạc y tế vô trùng. Hàng ngày, người bệnh được dùng giảm đau bổ sung calci; điều dưỡng nhẹ nhàng tháo gạc, rửa vết thương. Người bệnh được xuất viện sau 2 ngày chăm sóc tích cực, vết thương khô ráo, các chỉ số hiệu sinh (huyết áp, oxy máu…) ổn định.

Bác sĩ Trâm tư vấn, sau phẫu thuật, người bệnh ung thư tuyến giáp có thể cần điều trị thêm với i-ốt phóng xạ (dạng lỏng hoặc viên nang) để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trường hợp của chị T, kết quả sinh thiết, giải phẫu bệnh cho thấy khối u không xâm lấn, không còn tế bào ung thư nên không cần dùng thêm phương pháp uống i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, do đã cắt trọn tuyến giáp, không còn hormone tuyến giáp cho các hoạt động của cơ thể nên người bệnh được sử dụng thuốc hormone giáp suốt đời.

Ung thư tuyến giáp được phát hiện ngày càng nhiều

Bác sĩ Trâm cho biết ung thư tuyến giáp (bướu cổ ác tính) xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến khiến chúng nhân lên nhanh chóng, hình thành khối u.

Bệnh bướu cổ nói chung cũng như ung thư tuyến giáp nói riêng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: vùng địa lý, giới tính, di truyền. Tỷ lệ người bệnh ung thư tuyến giáp được phát hiện ngày càng nhiều, một phần nhờ sự tiến bộ của y học. Các phương pháp chẩn đoán hiện đại giúp bác sĩ phát hiện bệnh nhanh chóng, đôi lúc bệnh được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ, chụp CT, MRI, siêu âm…

Ở các giai đoạn trễ, khối u phát triển lan đến mô mềm ở cổ, hạch bạch huyết, phổi, xương. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, khoảng 30% ca bệnh bị ung thư di căn, chủ yếu đến các hạch bạch huyết ở cổ; 1% - 4% ung thư di căn bên ngoài cổ đến các cơ quan khác như phổi và xương.

Để phát hiện sớm bệnh tuyến giáp cũng như bướu cổ ác tính, bác sĩ Trâm khuyên người dân nên khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ đó lên kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả. Khi bác sĩ chẩn đoán bướu cổ, người bệnh nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ với bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường, không tự điều trị theo truyền miệng dân gian khiến bệnh trở nặng, gây khó khăn cho việc điều trị.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm với tất cả các chuyên khoa cùng Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 giúp việc phát hiện, tầm soát, chẩn đoán bệnh bướu cổ ác tính nhanh chóng, điều trị kịp thời theo phác đồ chuẩn Bộ Y tế và luôn cập nhật những kiến thức mới từ y khoa thế giới.

Nhằm tìm hiểu về bệnh bướu giáp nhân, ung thư tuyến giáp với những biến chứng nguy hiểm và cách điều trị hiệu quả; Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Tìm hiểu bướu giáp nhân, ung thư giáp và tiến bộ điều trị hiện nay". Chương trình được phát sóng trực tiếp lúc 20h ngày 11/5/2023, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu tại BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh:

Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại vú BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ bác sĩ Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình được phát sóng Trực tiếp trên Báo điện tử thanhnien.vn, website tamanhhospital.vn và vnvc.vn. Livestream trên ứng dụng VTVgo, THVLi và các fanpage: VTV24 – Trung tâm tin tức, VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh niên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC – Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn, kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube VNVC, Youtube Báo Thanh Niên, Youtube Truyền hình Vĩnh Long.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước