Trước ảnh hưởng của những đợt mưa lớn vừa qua, tại di tích Điện Huệ Nam xảy ra sạt trượt nặng. Các đơn vị đã có các giải pháp khẩn cấp gia cố tạm thời nhưng do nằm sát chân núi có địa hình phức tạp nên tình trạng sạt lở, trượt đất đá vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở một số vị trí, đặc biệt ở khu vực tiếp giáp gần với vách núi dựng đứng, có rất nhiều tảng đá lăn, đá lở, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai giằng néo, dùng rọ thép để giữ cố định hệ thống cây xanh, đồng thời gia cố bằng dây cáp.
Tương tự, khu vực vườn ươm cạnh Lăng Cơ Thánh, xã Thủy Bằng, TP Huế cũng đang đối diện với tình trạng sạt trượt nghiêm trọng. Vừa qua, tại khu vực này cũng đã xây dựng một hệ thống kè dài 20m, cao 1,5m để hạn chế tối đa thiệt hại khi có sạt trượt đất đá.
Làm thế nào để đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ nguyên trạng các công trình di tích và áp lực sạt lở ngày càng gia tăng là bài toán khó đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên Huế khi nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lở núi xảy ra ngày càng nhiều hơn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đắk Nông: Khó khắc phục các công trình bị ảnh hưởng bởi sạt trượt
Mưa lớn cộng với sạt trượt đã khiến nhiều công trình tại Đắk Nông bị hư hỏng. Trong đó, đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Gia Nghĩa và hồ chứa nước Đắk N'ting là bị ảnh hưởng nặng nhất. Đến nay, việc khắc phục vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Dưới áp lực của khối sạt trượt, tràn xả lũ hồ chứa nước Đắk N'ting đã bị dịch chuyển sang phía đập đất 103cm, đẩy nâng lên hơn 48cm. Để đảm bảo an toàn công trình, hơn 1 tháng qua, các đơn vị liên quan đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời như đào rãnh, lót bạt chống thấm. Phía hạ du hồ chứa nước là vùng sản xuất với hơn 200ha lúa và khoảng 1000ha hoa màu các loại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!