Theo Trung tá Nguyễn Văn Cần, Phó Trưởng khoa Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, tùy thuộc diễn biến đám cháy, mỗi người có thể thực hiện các biện pháp như báo động, cắt điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc gọi ngay lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp qua số 114. Đồng thời, cần nhanh chóng thông báo cho mọi người và tổ chức thoát nạn kịp thời.
Một trong những nguy cơ lớn nhất trong đám cháy là khói và khí độc. Vì vậy, khi thoát hiểm, hãy sử dụng khăn, áo nhúng nước để bảo vệ cơ quan hô hấp. Khi di chuyển, nên lựa chọn không gian thấp: từ 60 cm trên mặt đất đến 1,2 m là nơi có lượng không khí sạch cao nhất. Cần di chuyển với tư thế cúi thấp, tay bịt miệng, mũi và tay còn lại đưa ra phía trước để định hướng.
Hầu hết các tòa nhà công sở đều có hệ thống đèn chỉ dẫn thoát hiểm. Trong mọi trường hợp, cần bình tĩnh làm theo hướng dẫn để ra ngoài an toàn.
Trước khi mở cửa thoát hiểm, hãy kiểm tra nhiệt độ bên ngoài bằng cách chạm nhẹ vào tay nắm cửa hoặc cụm van. Điều này giúp xác định liệu bên ngoài có an toàn hay không. Tuyệt đối không sử dụng thang máy vì nguy cơ mất điện khiến bạn bị kẹt lại rất cao. Hãy di chuyển bằng thang bộ.
Nếu thang bộ bị nhiễm khói, khí độc và không thể thoát ra ngoài, bạn cần di chuyển ngược lên phía trên để tránh khói. Tại đây, bạn có thể tìm cách lánh nạn tạm thời và chờ lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ.
Cuối cùng, tuyệt đối không quay lại khu vực cháy vì nguy cơ gặp nguy hiểm là rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!