Trên cả nước đã kiểm định gần 1,3 triệu lượt phương tiện ô tô trong quý 1/2024 (Ảnh minh họa: VOV)
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, quý 1/2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 1,3 triệu lượt phương tiện ô tô, trong đó hơn 1 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, có hơn 203.000 lượt xe ô tô không đạt đăng kiểm lần đầu, phải bảo dưỡng và sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Riêng trong tháng 3 vừa qua, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định hơn 379.000 lượt phương tiện ô tô, trong đó có hơn 315.000 lượt phương tiện đạt kiểm định và gần 64.000 lượt phương tiện "trượt" kiểm định lần đầu.
"Trong ba tháng đầu năm nay không xảy ra tình trạng ùn tắc, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp", lãnh đạo Cục Đăng kiểm đánh giá.
Đến nay, cả nước hiện có 294 trung tâm đăng kiểm và các chi nhánh với 546 dây chuyền kiểm định; trong đó có 279 trung tâm đang hoạt động với 455 dây chuyền kiểm định.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phối hợp với các địa phương cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 5 trung tâm đăng kiểm gồm: Trung tâm Đăng kiểm 14-08D, Trung tâm Đăng kiểm 34-08D, Trung tâm Đăng kiểm 81-06D, Trung tâm Đăng kiểm 71-06D và Trung tâm Đăng kiểm 28-02D.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tổ chức đánh giá, công nhận mới, công nhận lại 70 đăng kiểm viên và 105 đăng kiểm viên bậc cao; đã thực hiện đăng cảnh báo trên 11.600 phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính và gỡ cảnh báo 827 phương tiện đã khắc phục vi phạm hành chính.
Trong quý I/2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý các lĩnh vực, đáng chú ý là hoàn thiện phần mềm cải tạo xe cơ giới; tổ chức chạy thử phần mềm lập hồ sơ phương tiện cho xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu tại các đơn vị đăng kiểm; triển khai xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm quản lý kiểm định.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện lĩnh vực kiểm định xe cơ giới vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực bổ sung còn hạn chế, đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chưa qua đào tạo, chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện thanh tra chuyên ngành đăng kiểm.
Đặc biệt là giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Luật Giá (16/2023/QH15) chưa được ban hành mới, giá dịch vụ đăng kiểm hiện đang áp dụng chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội hiện nay, nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chung của các đơn vị đăng kiểm.
Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Luật Giá (16/2023/QH15) để sớm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đăng kiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!