Tìm kiếm các kênh đầu tư để sinh lời cho khoản tiền nhàn rỗi, đó luôn là nhu cầu kiếm tiền chính đáng của người dân. Tuy nhiên, không ít đơn vị lợi dụng vào nhu cầu đó lập nên nhiều khoản huy động vốn núp bóng dưới nhiều hình thức đầu tư, để kêu gọi số tiền lớn từ người dân. Chỉ đến khi mô hình này sụp đổ, doanh nghiệp không còn khả năng chi trả, sự việc mới vỡ lở. Các nhà đầu tư lúc này mới vỡ lẽ, ngay từ đầu, mình đã được chọn để làm nạn nhân chứ không phải để làm khách hàng.
30 người đã gửi gần 70 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, nhưng nay, số tiền của họ đang có nguy cơ mất trắng khi doanh nghiệp tuyên bố mình không có khả năng chi trả.
Một nạn nhân của chiêu trò huy động vốn.
"Tôi gửi 5,6 tỷ. Đây là tiền của cả cuộc đời tôi. Tôi cũng cẩn thận gửi thử 1 ít. Năm đầu tiên vẫn tốt. Đến tháng 5 không nhận được thì lúc bấy giờ tôi mới đến nơi trao đổi, tôi mới ngã ngửa ra rằng bắt đầu từ hôm nay trở đi, nguồn sống đều đặn hàng tháng sẽ không còn nữa. Bây giờ là tôi cháy túi luôn", nạn nhân của chiêu trò huy động vốn chia sẻ.
Điều khiến họ càng trở nên hoang mang là khi Tổng Giám đốc đương nhiệm của công ty khẳng định doanh nghiệp không biết toàn bộ số tiền khách hàng gửi vào đang ở đâu và đã được dùng vào việc gì.
"Hiện tại Sen đang không còn tiền để chi trả đúng hẹn cho các nhà đầu tư được. Toàn bộ số phần huy động vốn này hầu như đều để ngoài sự ghi nhận của doanh nghiệp", ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam, nói.
Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng của 463 khách hàng dưới hình thức chào bán cổ phần với lãi suất khoảng 12%/năm, và nay, chỉ khi sự việc vỡ lở, nhiều chi tiết bất thường mới được vỡ lẽ.
"Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần - thực chất ra tôi không hiểu đâu. Chúng tôi chỉ là khách hàng thôi. Các bạn sale đến không nói với tôi các chị là nhà đầu tư. Tôi có đầu tư gì đâu", nạn nhân của chiêu trò huy động vốn nói.
Dù trên danh nghĩa, các khách hàng bỏ tiền ra để mua cổ phần, nhưng tất cả lại phải ký vào bản hợp đồng có điều khoản miễn trừ quyền cổ đông.
"Đấy là hình thức huy động vốn phi chính thức và không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp nên rủi ro là rất lớn. Rủi ro đó đến với những người bỏ tiền ra, các nhà đầu tư và nhà đầu tư phải gánh chịu", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Sen Tài Thu vốn nổi tiếng là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không phải là một tổ chức tín dụng, nhưng lại huy động vốn dưới vỏ bọc mua cổ phần. Mặc dù đã mất khả năng chi trả từ đầu năm nay, nhưng nhiều tháng sau, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hành vi huy động vốn.
"Như gia đình tôi từ tháng 1/2023, người ta đã bảo mất khả năng chi trả. Nhưng có hợp đồng này từ tháng 4/2023, họ vẫn huy động để vay tiền. Hành vi như thế có phải là lừa đảo không?", nạn nhân của chiêu trò huy động vốn nói.
Cho rằng mình bị lừa đảo, các nạn nhân đã tập hợp để gửi đi nhiều đơn thư trình báo. Dù tất cả đều bị ràng buộc bởi điều khoản bảo mật thông tin, nhưng những nạn nhân này vẫn chấp nhận lên tiếng.
"Nếu bây giờ chúng tôi không đưa ra ánh sáng, các cơ quan nhà nước không vào cuộc, thì liệu còn bao nhiêu người bị lừa đảo nữa. Bao nhiêu gia đình còn khổ nữa?", nạn nhân của chiêu trò huy động vốn đặt câu hỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!