Mã số định danh cá nhân khác gì so với số thẻ Căn cước công dân?

H.T-Thứ tư, ngày 17/06/2020 10:17 GMT+7

VTV.vn - VTV News đã nhận được rất nhiều thắc mắc của độc giả về Căn cước công dân và Mã số định danh cá nhân... Vậy 2 khái niệm này như thế nào?

MÃ SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN LÀ GÌ?

Mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên CSDLQGVDC và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Đây cũng là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, bảo đảm thống nhất thông tin.

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm những nội dung sau: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch), tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất.

Mã số định danh cá nhân khác gì so với số thẻ Căn cước công dân? - Ảnh 1.

THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN LÀ GÌ?

Theo điều 20, Luật Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật Căn cước công dân; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin trên.

Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:

- Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ "Căn cước công dân"; ảnh, số thẻ Căn cước công dân (12 số), họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

Mã số định danh cá nhân khác gì so với số thẻ Căn cước công dân? - Ảnh 2.

Mặt trước Thẻ Căn cước công dân

- Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Mã số định danh cá nhân khác gì so với số thẻ Căn cước công dân? - Ảnh 3.

Mặt sau Thẻ Căn cước công dân

Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

MÃ SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN CÓ TRÙNG VỚI SỐ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN?

Đối với những người đã làm thẻ Căn cước công dân (với số thẻ 12 số), số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Số Chứng minh nhân dân (9 số) không phải là số định danh cá nhân. Do vậy, những người chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì cần làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Hiện nay, thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, trẻ em ngay từ khi sinh ra sẽ được cấp số định danh cá nhân. Mã số định danh cá nhân này chính là số thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 14 tuổi đi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Đối với trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân của công dân là số duy nhất cấp cho công dân đó và không thay đổi khi công dân chuyển nơi đăng ký thường trú đến các tỉnh, thành phố khác.

Về trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh, trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với CSDLQGVDC thì khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho CSDLQGVDC.

Về trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, Điều 15 Nghị định 137 quy định, công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm thu thập, chuyển các thông tin về công dân theo quy định cho cơ quan quản lý CSDLQGVDC...

50 triệu công dân trên 14 tuổi sẽ được cấp mã số định danh trước tháng 7/2021 50 triệu công dân trên 14 tuổi sẽ được cấp mã số định danh trước tháng 7/2021

VTV.vn - Trước những băn khoăn về tiến độ cấp mã số định danh cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở hoàn thành việc này trong 1 năm.

THAY CHO SỔ HỘ KHẨU, MÃ SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN CÓ NHỮNG LỢI ÍCH GÌ?

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thay cho sổ hộ khẩu, mã số định danh cá nhân sẽ giảm tải nhiều thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân.

Mã số định danh cá nhân khác gì so với số thẻ Căn cước công dân? - Ảnh 6.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước