Những vấn đề tâm lý của học sinh, những trăn trở về giới tính, nhiều vụ tự tử hay bạo lực học đường xảy ra gần đây nguyên nhân phần lớn là vì các em không được chia sẻ để tìm ra được hướng đi đúng cho những khúc mắc của mình. Trong khi đó, thực tế công tác tư vấn tâm lý trong trường học đang gặp nhiều vấn đề.
Giáo viên Nguyễn Thành Chung, Bộ môn GDCD Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Phòng Công đoàn của nhà trường được ngăn 1 bức vách để làm phòng tâm lý. Khi làm việc sẽ khóa cửa bên kia lại. Đây là giải pháp khắc phục tình trạng do thiếu cơ sở vật chất. Chúng tôi mong muốn có 1 phòng riêng biệt, tách biệt hoàn toàn không bị vướng bận các phòng khác".
Một số học sinh của trường chia sẻ các em thấy ngại vì vị trí phòng tâm lý không thuận lợi lắm, ở tầng 1 đông người ra vào nên rất dễ bị lộ. Bên cạnh đó, áp lực học hành không chỉ từ các em mà từ thầy cô, bố mẹ nên việc chia sẻ được suy nghĩ, tâm trạng là rất quan trọng.
Quan trọng như thế nhưng không dễ dàng có được một nơi chia sẻ thật sự. Thực tế, nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý nhưng chưa phát huy hiệu quả. Bởi lẽ tham vấn tâm lý học đường là công việc đặc thù cần phải có kỹ năng, kiến thức, cần làm toàn thời gian.
Trong khi hiện tại nhiều thầy cô ở trường đang phải sắm nhiều vai, lúc thì làm giáo viên chủ nhiệm, lúc là giáo viên bộ môn, thậm chí là làm công tác công đoàn. Dó đó, thời gian thực tế dành cho phòng tâm lý học đường rất hạn hẹp.
Sớm có biên chế nhân viên tâm lý, giáo viên tâm lý để hỗ trợ trong công tác giáo dục trong nhà trường, cùng với đó là lồng ghép thêm hoạt động kỹ năng sống trong nhà trường, rèn sức đề kháng để các em có thể xử lý được tình huống khi gặp sự cố trong cuộc sống là một số kiến nghị được phía các nhà trường đưa ra.
TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, giáo viên nên là nhà tâm lý trước khi dạy chữ, vì dạy mà không hiểu được tâm lý học sinh sẽ dễ dẫn đến việc xử lý sai.
Trường này đang triển khai mô hình "học sinh yêu tâm lý". Một số em được cô giáo tâm lý hướng dẫn cách nhận biết, chia sẻ và đồng hành cùng những bạn đang gặp vấn đề trong mối quan hệ gia đình hay bạn bè. Bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh, để những câu chuyện như học sinh tự tử, học sinh đánh nhau sẽ được tháo ngòi nổ ngay trước khi những hành động dại dột này có thể xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!