Để giải bài toán nhân lực, nhiều cơ sở đào tạo đã mạnh dạn cải tiến chương trình đào tạo theo hướng xã hội cần và bắt tay với các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam, toàn ngành sẽ cần hơn 30.000 kỹ sư, theo đó 7 - 10% nhân lực phải được đào tạo đại học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là chỉ có khoảng 4.000 kỹ sư, bình quân 1 doanh nghiệp chỉ có 1 kỹ sư. Nhân lực cho hoạt động sản xuất và chế biến gỗ đang rất thiếu.
Hệ thống các trường đào tạo nhân lực cho ngành lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh. Số lượng sinh viên đăng ký hồ sơ xét tuyển còn hạn chế trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Trước bài toán nan giản này, "học kỳ doanh nghiệp" đã ra đời.
Bàn cách hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo là nội dung chính của Hội thảo Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp. Ngay tại hội nghị, trường Đại học Lâm nghiệp đã ký kết hợp tác với 5 doanh nghiệp, kết nối giữa các bên nhằm tạo ra những chuỗi liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Một yếu tố được trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, cung cấp không chỉ các sản phẩm công nghệ mà cả nhân lực chất lượng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!