Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão số 3 trở lại cuộc sống bình thường

Ngọc Lan-Thứ bảy, ngày 14/09/2024 18:24 GMT+7

VTV.vn - Bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, đặt ra thách thức trong việc tìm giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân sau thiên tai.

Bão số 3 đi qua nhưng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đang để lại những hậu quả nặng nề tại 12 tỉnh thành phía Bắc. Cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn, việc khôi phục đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đang đặt ra bộn bề. Các cấp chính quyền và người dân đang nỗ lực ra sao và những giải pháp nào cần triển khai sớm để đưa cuộc sống người dân vùng thiên tai trở lại bình thường?

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão số 3 trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 1.

Người dân di dời đàn lợn đến nơi an toàn do ngập lụt nghiêm trọng ở Hưng Yên

Bão số 3 là cơn bão lịch sử, có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam đã gần một tuần. Những ngày này, người dân cả nước đang dõi theo hành trình cứu hộ, cứu nạn những nạn nhân của mưa bão, sạt lở đất của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tái thiết lại cuộc sống cho người dân sau thiên tai cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Theo thống kê mới nhất, đến ngày 13/9, bão lũ đã khiến hơn 130.000 người dân phải sơ tán, hơn 200.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, hoa màu, chăn nuôi cho tới các nhà máy, khu công nghiệp đều thiệt hại nặng nề. Đặc biệt khó khăn là các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

"Năm nào chúng tôi cũng phải xử lý vấn đề về nhà ở sau thiên tai cho người dân. Để xác định giải pháp cụ thể xử lý vấn đề này, phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân và đối tượng bị ảnh hưởng, bị tác động do sập nhà. Đối với khu vực miền núi phía Bắc, hiện nay, có 3 nhóm giải pháp khẩn cấp. Thứ nhất, phải đánh giá nhanh mức độ thiệt hại về nhà, nhà nào có mức độ thiệt hại nhỏ cần khẩn trương khắc phục để ổn định cho đời sống cho hộ dân đó. Thứ hai, có thể hỗ trợ cho các hộ dân xung quanh có một nơi ở an toàn. Đối với những nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc những khu vực lớn bị sạt lở, phải tái thiết xây dựng lại", ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão số 3 trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 2.

ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai chia sẻ về các giải pháp ổn định cuộc sống cho người dân sau cơn bão số 3

Theo ông Hải, phải đảm bảo nơi ở mới hỗ trợ người dân sau thiên tai đảm bảo an toàn, phát triển bền vững về sinh kế. Do vậy, đối với những khu vực tái định cư bắt buộc, phải có những chính sách hỗ trợ ngay cho người dân ở tạm nhà người thân hoặc hàng xóm. Sau đó, quy hoạch nơi ở mới, đảm bảo ổn định lâu dài và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão số 3 trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 3.

Việc ổn định nhà ở cho người dân vùng sạt lở còn gặp nhiều khó khăn

"Ngay khi nước rút, phải nhanh chóng vệ sinh môi trường, tẩy rửa bùn cát, phun hóa chất khử trùng theo chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm có nhà ở ổn định cho người dân. Đối với khu vực chăn nuôi, sản xuất có động vật chết cũng phải tiêu độc, khử trùng ngay để tránh phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, phải sẵn sàng huy động các lực lượng khi phát sinh ổ dịch, phải dập dịch nhanh, khoanh vùng để chóng lây lan diện rộng", ông Hải đề xuất.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết. Trước hết, không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở. Những ngày qua, cùng với gói hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã chung tay góp sức, đóng góp. Có rất nhiều đoàn tình nguyện đã tìm đến tận các điểm ngập lụt để chia sẻ lương thực và nhu yếu phẩm. Thế nhưng thực tế cho thấy, các giải pháp cứu trợ tại chỗ, huy động sự chung tay của chính quyền và người dân địa phương có ý nghĩa hết sức thiết thực.

"Việc hỗ trợ tại chỗ là quan trọng nhất trong phương châm "4 tại chỗ". Do vậy, người dân cần tự trang bị cho bản thân và gia đình những nhu yếu phẩm cần thiết nhất, tối thiểu nhất trước mùa thiên tai. Trong tình huống thiên tai cụ thể, nếu có thể giúp đỡ những người xung quanh cũng là điều cần thiết rong lúc chờ các lực lượng khác cứu trợ. Đây cũng là một trong những phương châm hỗ trợ "4 tại chỗ", đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đồng bào trong lúc khó khăn nhất", ông Hải khẳng định.

Theo ông Hải cho biết, được sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, các cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo và các địa phương đã nhận thức được rằng việc các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho đồng bào theo hưởng ứng lời kêu gọi là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, phải có sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai các cấp. Cần xác định rõ đối tượng và mức hỗ trợ để đảm bảo nguyên tắc mọi người dân đều được quyền hưởng lợi, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả, kịp thời nhất.

Vài ngày qua, ở thượng nguồn, lũ trên sông các tỉnh miền núi phía Bắc đều đang xuống và tình hình ngập lụt đang dần được cải thiện. Thế nhưng, nước lại đang dồn về dưới hạ du ngập lụt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ diễn biến phức tạp và dự kiến sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần tới. Điều đáng nói, đây là những vùng sản xuất trọng điểm của miền Bắc, nên những hậu quả lâu dài là chưa thể đo đếm.

"Đối với nông nghiệp, giải pháp cấp bách lúc này là phải phân loại các loại cây trồng. Những cây trồng bị ngập do lũ lụt, đã bị ngấm nước lâu ngày nếu không thể phục hồi được, cần phải có ngay giải pháp chuyển đổi mùa vụ, chuyển sang giống cây trồng khác. Giống như lúa, đến thời điểm hiện nay, những khu vực lúa bị ngâm nước quá 5 ngày, xác định lúa hỏng hoàn toàn. Vì vậy, cần chuyển đổi sớm sang cây trồng cạn và phục vụ vụ Đông xuân, rút ngắn giai đoạn để sản xuất. Đối với diện tích cây trồng có thể phục hồi được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cục chuyên ngành hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật phục hồi nhanh sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng bị thiệt hại rất lớn tại các vùng ngập lụt. Thức ăn cho vật nuôi không có, thêm vào đó là dịch bệnh phát sinh giữa vật nuôi còn lại. Giải pháp tổng thể là phải đảm bảo ngay vệ sinh đối với những khu vực chuồng trại vẫn còn bảo tồn được. Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về giống và thức ăn cho vật nuôi để có thể phục hồi nhanh nhất", ông Hải nhấn mạnh.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão số 3 trở lại cuộc sống bình thường - Ảnh 4.

Nhiều cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng do ngập lụt

Chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất, đó là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Đất nước ta từng trải qua nhiều thiên tai khốc liệt và qua tất cả những thiên tai ấy, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao vì đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Một lần nữa, truyền thống quý báu đó cần được phát huy trong lần đối mặt hậu quả bão số 3 lần này. Chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân và cũng chạy đua với thời gian để tái thiết cuộc sống, để lại phía sau những mất mát, đau thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước