Hồ Ba Bể, Yên Tử, địa đạo Củ Chi sẽ được đề cử di sản thế giới

PV (Theo VGP)-Chủ nhật, ngày 10/01/2021 07:29 GMT+7

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại khu di tích và danh thắng Yên Tử

VTV.vn - Trong năm 2021, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới như Ba Bể- Na Hang, Óc Eo...

Theo Tiểu ban Văn hoá, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam thực hiện tốt Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới qua việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hoàn thành công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện việc bảo vệ di sản, xây dựng quy chế bảo vệ di sản, quản lý di sản, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ bảo tồn di tích…

Tiểu ban cũng đã hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ khoa học di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trình UNESCO ghi danh như: Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương); Óc Eo (An Giang); địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh),… Phối hợp với các đơn vị liên quan của Lào hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Hin Nậm Nô của bạn là Di sản thiên nhiên thế giới.

Hồ Ba Bể, Yên Tử, địa đạo Củ Chi sẽ được đề cử di sản thế giới - Ảnh 1.

Hồ Ba Bể. Ảnh VGP/Nhật Thy

Việc thực hiện Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá cũng được Việt Nam chú trọng, đạt hiệu quả cao. Năm 2020, trình và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 24 bảo vật quốc gia. Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ VHTTDL (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp).

Đối với Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, ngoài thực hiện các nghĩa vụ thành viên và hợp tác quốc tế, Tiểu ban cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch mở rộng Danh sách di sản văn hoá phi vật thể dự kiến cho phép lập hồ sơ đề trình UNESCO trong thời gian tới; thực hiện công tác kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đồng thời, xây dựng và triển khai các đề án, dự án bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể như: Phục hồi bài bản cổ và hiệu chỉnh khuôn thước Ca trù để truyền dạy tại nhiều câu lạc bộ ở Hải Phòng; truyền dạy và phát huy nghệ thuật múa Sư tử dân tộc Tày, Nùng tại Lạng Sơn; truyền dạy Hò Như Lệ trong cộng đồng tại Quảng Trị; sưu tầm và truyền dạy kỹ thuật trang trí, Nhà hoả tàng của người Chăm Bà la môn ở Bình Thuận…

Năm 2021, sẽ đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới (Ba Bể - Na Hang, Óc Eo, Hạ Long - Cát Bà, Yên Tử…); theo dõi các hồ sơ đã trình UNESCO như Nghệ thuật xoè Thái, nghệ thuật làm gốm Chăm, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, phối hợp với Hàn Quốc khởi động lại hồ sơ đa quốc gia về nghệ thuật sơn mài… Đồng thời, quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam thông qua các di sản thế giới.

Địa đạo Củ Chi có thể trở thành di sản thế giới Địa đạo Củ Chi có thể trở thành di sản thế giới

VTV.vn - Điều này là hoàn toàn khả thi khi địa danh lịch sử ở TP.HCM này có tới 3/8 tiêu chí có thể phù hợp do UNESCO đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước