Trong thời gian dài, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô – con sông nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông – diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đất canh tác của người dân. Dư luận đặt ra nghi vấn liệu hoạt động khai thác cát dọc tuyến sông này có phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên hay không.
Tàu khai thác cát trên sông Krông Nô.
Ông Trần Hoàng, một người dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp gần khu vực khai thác cát tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, phản ánh: "Tàu phà đưa ra giữa sông, hút sâu một cái là hai bên bờ sông sụt xuống. Cái vòi hút đưa sâu xuống, phà thì đậu ngoài xa nhưng vòi lại thọc vào trong này."
Hệ lụy khai thác cát trên sông Krông Nô – Sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất canh tác
Chị H’ Ben, người dân huyện Krông Nô, chia sẻ: "Nhà em có gần 1ha đất dọc bờ sông, nhưng đã bị cuốn trôi hơn 3 sào. Từ đầu đất nhà tôi qua bên kia đã mất hơn 3 sào rồi. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp ngày đêm hút cát. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng."
Tại một hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk diễn ra tại huyện Lắk, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô là vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm. Theo báo cáo, có hơn 14 điểm sạt lở với tổng diện tích thiệt hại hơn 180ha. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống người dân.
Ông Y Trú Kmăn, người dân xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ lo ngại: "Từ năm 2021 đến nay, sạt lở rất nghiêm trọng. Nguyên nhân do tác động của hai thủy điện Buôn Tua Srah, Chư Pông và tình trạng khai thác cát. Bè hút cát đi lại dễ dàng, hút chỗ nào cũng được, khiến sạt lở ngày càng nặng, làm mất đất, rơi cả cây cà phê và tài sản của người dân."
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động khai thác cát, nhằm bảo vệ đất đai và sinh kế cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!