Hợp tác xã vận tải số 28 - nơi đang có 7 tuyến xe bus hoạt động chủ yếu ở các vùng ven ngoại thành TP.HCM - sau một thời gian ngừng hoạt động vì dịch, các tuyến đang dần khôi phục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau hơn một tháng chạy lại, tình hình không mấy khả quan. Trong 7 tuyến xe bus chỉ có tuyến 73 là đông khách nhất. Gọi là đông khách nhưng so với cùng kỳ, sản lượng chỉ đạt 66%. Những tuyến còn lại sản lượng giảm kỷ lục, ít nhất trên một nửa so với năm 2019.
Khách ít nhưng xe vẫn phải chạy hàng ngày, tiền dầu, chi phí trả lương, tiền bến bãi vẫn phải gồng gánh. Theo tính toán, nếu tiếp tục tình trạng này, rất có thể 1 trong 7 tuyến của Hợp tác xã vận tải số 28 phải ngừng hoạt động.
Theo thống kê từ ngày 3 - 6/2 của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, hoạt động xe bus đã giảm hơn 41.000 chuyến (giảm 19%) so với cùng kỳ. Còn về lượng hành khách, so với 2 tuần cùng kỳ năm trước, giảm hơn 3,5 triệu lượt (giảm 52%). Trước tình hình này, thành phố đã có những điều chỉnh để hoạt động xe bus thích ứng sau mùa dịch.
Nguy cơ đóng cửa nhiều tuyến xe bus vì các hợp tác xã thua lỗ. (Ảnh minh họa)
"Chúng tôi thường xuyên điều chỉnh biểu đồ giờ để phù hợp với thời gian đi lại của hành khách và đặc biệt là đảm bảo việc vận chuyển liên tục hướng tới hoạt động của hệ thống", ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho hay.
Cùng với những điều chỉnh, lãnh đạo TP.HCM đã đồng ý trên nguyên tắc ứng dụng công nghệ thùng bán vé tự động và không bố trí nhân viên phục vụ trên xe bus. Thành phố cũng đã giao Sở GTVT rà soát, lập dự toán bổ dung chi ngân sách trợ giá xe bus năm 2020. Dự kiến sẽ bổ sung khoảng 100 tỷ đồng để bù đắp tiền trợ giá cho các đơn vị xe bus bị lỗ.
Không chỉ xe bus, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, từ đầu năm đến nay doanh thu bị sụt giảm nặng nề do dịch COVID-19 như đối với các đơn vị taxi hợp đồng, lượt hành khách và lợi nhuận cũng giảm 40 - 50% so với cùng kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!