Một trong những hồ chứa ở huyện Tân Kỳ xuống cấp, thân đập yếu. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Trường Thành cho biết, Nghệ An có hơn 1.000 hồ đập, trong đó có 55 hồ chứa lớn, 220 hồ chứa vừa và 786 hồ chứa nhỏ.
Trong đó, có 120 hồ đập xuống cấp, phần lớn được xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Thời gian qua, mặc dù trung ương và địa phương đã dành nhiều nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được thực tế, nhiều hồ đập cần tu sửa khẩn cấp nhưng vẫn đang thiếu kinh phí.
Trong khi đó, Thanh Hóa hiện có 86 hồ đập xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn. Tỉnh đang hướng dẫn các địa phương, đơn vị khai thác công trình, xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, đồng thời tham mưu lên cấp có thẩm quyền bố trí sửa chữa, nâng cấp.
Còn tại Đắk Lắk, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, đến đầu tháng 7/2024, các cơ quan của đơn vị đã tiến hành kiểm tra 532 hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra cho thấy, số lượng các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn là 115 công trình, trong đó 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; 7 công trình có nguy cơ mất an toàn. Điều đáng nói, có đến 29 đập bị thấm nước, 107 công trình bị biến dạng. Nhiều đập tràn xả lũ, cống lấy nước, bị xói lở, hư hỏng... gây mất an toàn trong mùa mưa, lũ.
Đáng nói, trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra thực trạng nhiều công trình thủy lợi tại địa phương xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Trong đó, nhiều công trình quy mô lớn ở nhiều địa bàn xung yếu, cần được bố trí kinh phí sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du mỗi khi mùa mưa lũ đến gần.
Việc đảm bảo an toàn hồ đập là rất quan trọng, nhất là khi cao điểm mùa mưa bão đang đến gần. Nửa cuối năm nay, mưa, bão, lũ sẽ nhiều hơn các năm trước và khu vực bị ảnh hưởng chính sẽ là miền Trung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!