Dù đã có nhiều văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra sai phạm của các cơ quan chức năng nhưng kết luận "xong rồi để đó". Chủ đầu tư không bị xử lý, cũng không đền bù cho người dân hay tiếp tục xây dựng. Còn hàng chục nghìn người mua nhà bị kẹt ở thế khó khi đòi lại tiền không được cũng như chẳng biết bao giờ mới được nhận nhà.
Nằm ở vị trí trung tâm, đắc địa của quận Hà Đông, dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng được khởi công từ năm 2008, kế hoạch bàn giao nhà là năm 2012. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã dừng thi công hoàn toàn vào năm 2011 dù đã thu hơn 4.000 tỷ đồng của hàng nghìn người mua nhà. Người dân tích cóp tiền mua nhà là để có chỗ dưỡng già, cho con cái dựng vợ gả chồng ra ở riêng, nhưng sau hơn 1 thập kỷ bị bỏ hoang, dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng giờ vẫn chỉ là đống ngổn ngang với những khối bê tông sắt thép mục nát.
Không chỉ thu hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng, dự án này còn được mang đi thế chấp ở 9 tổ chức tín dụng và nhiều công ty tài chính, phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tiền thu về lại không được đầu tư vào dự án, thậm chí còn bị đối tác xây lắp tố cáo có dấu hiệu chiếm dụng vốn.
Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã kết luận, dự án có sai phạm, nhưng việc xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư vẫn bị bỏ ngỏ. Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng chục dự án chậm bàn giao nhà tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Trong khi đó, tại Hà Nội có hàng trăm dự án nhà ở xây nhà dở dang rồi bỏ hoang hơn chục năm, chậm bàn giao nhà. Theo các chuyên gia bất động sản, những năm từ 2011 - 2013 là thời điểm các chủ đầu tư xây dựng ồ ạt, tràn lan, nhưng thị trường thanh khoản chậm rồi đóng băng, dẫn đến không kịp quay vòng vốn, khiến nhiều dự án rơi vào bế tắc.
Các dự án nhà ở bị dừng thi công, bỏ hoang gây lãng phí đất đai, không chỉ làm thiệt hại tiền của của người dân, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, rất ít chủ đầu tư bị xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó phần lớn trách nhiệm thuộc về các Sở, ngành khi không thực hiện nghiêm công tác giám sát, hậu kiểm.
Hậu quả vẫn là người mua nhà phải chịu trong nhiều năm qua. Làm sao để không còn xuất hiện những dự án bỏ hoang và người dân không phải gánh những hệ lụy, mấu chốt vẫn phụ thuộc rất lớn vào việc các Sở, ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm kiểm soát năng lực của chủ đầu tư, việc giám sát hậu kiểm và xử lý nghiêm khắc các sai phạm đúng theo quy định pháp luật.
Khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, người mua có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm theo mức các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Ngoài bồi thường thiệt hại cho người mua, chủ đầu tư chậm bàn giao nhà còn bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng khi triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm. Trên thực tế, đến nay số chủ đầu tư bị phạt quá ít so với hàng chục nghìn người dân đang "dài cổ" chờ ngày được chuyển đến nhà mới.
TP.HCM: Nhà ở xã hội chậm bàn giao 2 năm VTV.vn - Dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, Q. Bình Tân, TP.HCM được rao bán từ năm 2016 và dự kiến bàn giao năm 2017 nhưng đến nay, gần 720 hộ dân vẫn chưa được nhận nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!