Hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 10/06/2022 20:21 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế ở một số địa phương đồng loạt xin nghỉ việc khiến nhiều cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực.

Trạm y tế phường Hòa Bình tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chỉ có vài người nhưng lại đảm nhận hàng loạt công việc như tiêm vaccine COVID-19, uống vitamin A... Công việc ban ngày đã nhiều, ban đêm cũng phải chia nhau trực. Công việc quá áp lực nhất là trong mùa dịch khiến chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - trưởng trạm y tế phường Hòa Bình - đã muốn nộp đơn xin nghỉ.

"Trong mùa dịch áp lực quá đến nỗi phải vào bệnh viện mổ luôn. Vào bệnh viện, mình nghĩ đó là thời gian nghỉ dưỡng sức bởi công việc làm liên tục không có lúc nào nghỉ", chị Hạnh cho hay.

Mặc dù có rất nhiều công việc nhưng trạm y tế Hòa Bình không có bác sĩ. Nhiều trạm y tế khác tại thành phố Biên Hòa cũng không có dù nằm ngay trung tâm thành phố hay gần các đơn vị đào tạo y tế lớn của khu vực và cả nước. Hiện Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, cơ quan quản lý các trạm y tế, đang thiếu 45 biên chế. Tuyển dụng suốt thời gian qua cũng chỉ có 8 hồ sơ nhưng không có hồ sơ bác sĩ nào.

Hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 1.

Không chỉ tại Biên Hòa, các địa phương khác của Đồng Nai cũng gặp tình trạng tương tự như tại Định Quán, Long Khánh, Trảng Bom... khiến cho nhiều công việc bị động, không đảm bảo được chất lượng vì thiếu bác sĩ.

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, tính từ đầu năm đã có hơn 40 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có nhiều người ở tuyến cơ sở. Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cũng cho biết, trên địa bàn có các bệnh viện lớn cũng như có hệ thống y tế tư nhân phát triển nên đã thu hút được các y bác sĩ từ hệ thống y tế cơ sở qua làm việc do đó cần phải giải quyết nhiều vấn đề.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế gấp rút tham mưu thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, chính sách thu hút, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Sau khi thống nhất, UBND tỉnh sẽ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay.

Khi thu nhập thấp, áp lực cao

Áp lực với các cán bộ nhân viên y tế ở Đồng Nai thời gian qua là rất lớn. Trong khi, ở các cơ sở y tế công lập, thu nhập thấp và đãi ngộ gần như không có đã khiến họ không trụ được. Áp lực cơm áo gạo tiền, thời gian cho gia đình bỗng chốc xung đột với tình yêu và tâm huyết với nghề.

Bác sỹ Bùi Thị Hương, Trưởng trạm Y tế xã Long An, Long Thành, Đồng Nai cho biết: "Gia đình nói đi xa quá, làm việc lâu, bỏ bê con cái… thì người ta cũng có áp lực nhất định. Một là xin chuyển, không chuyển được thì xin nghỉ. Trạm cũng có mấy người có ý định nghỉ do đời sống không đảm bảo".

Theo chị Vũ Thị Ngọc, Trạm y tế xã Long An: "Nếu nhà nước không tăng chế độ cho nhân viên trong trạm y tế thì không đảm bảo được mình công tác lâu dài. Cái gì cũng tăng mà lương không tăng. Lãnh lương ra mua tã bỉm sữa cho con một lần là hết".

Giải pháp giữ chân nhân viên y tế cơ sở lâu dài

Nếu như các địa phương khác còn loay hoay tìm giải pháp để giữ chân nhân viên y tế cơ sở thì tại TP Hồ Chí Minh, khi sau đợt dịch lần thứ 4 có đến hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc, TP đã mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở bằng nhiều giải pháp cụ thể, mang tính cấp bách lẫn lâu dài.

Tại trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh, không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp từ thứ 2 cho đến chủ nhật, bệnh nhân đến khám bệnh, tiêm ngừa, thậm chí là xét nghiệm máu, siêu âm đều được thực hiện tại đây. Từ khi trạm y tế này được chuyển sang hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với sự tham gia của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ mới ra trường về làm việc, nơi đây như có nguồn gió mới.

Hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 2.

Đầu tư về nhân lực, trang thiết bị chính là điều kiện tiên quyết để y tế cơ sở có thể phát triển, cũng là tiền đề quan trọng để tạo động lực, giúp nhân viên y tế có thể gắn bó lâu dài và giúp người dân tự tin đến khám và điều trị lâu dài tại trạm y tế.

Mới đây, ngành y tế thành phố đã triển khai thí điểm "Chương trình thực hành lâm sàng" dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đa khoa tại các trạm y tế. Mô hình y tế cơ sở kết hợp phòng khám bác sĩ gia đình được xem là bước đầu tư ban đầu cần thiết để nâng chất lượng cho y tế cơ sở.

Để y tế cơ sở, hay y học gia đình phát huy được thế mạnh thì cần rất nhiều các giải pháp, trong đó sự phối hợp quyết liệt từ chính quyền địa phương cùng ngành y tế là rất quan trọng. Do đó, đẩy mạnh đầu tư cho y tế cơ sở, điều tiên quyết nhất vẫn là đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị. Việc này không thể một sớm một chiều nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay thì sẽ không bao giờ có được kết quả trong tương lai.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước