Hàng loạt cây gỗ bị chặt hạ ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

Nguyễn Sơn-Thứ năm, ngày 25/04/2024 21:15 GMT+7

VTV.vn - Nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng Vườn quốc gia Xuân Sơn, hàng loạt cây gỗ bị chặt hạ, nằm ngổn ngang khắp nơi.

Là 1 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất tại Việt Nam, nhưng tình trạng đồng bào dân tộc Dao sinh sống xen kẽ trong vùng lõi của vườn quốc gia phá rừng để lấy đất sản xuất diễn ra những năm gần đây đã khiến không ít diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng bị tàn phá.

Mới đây, đội quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Xuân Sơn phối hợp với hạt kiểm lâm Tân Sơn cũng đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng việc khai thác gỗ rừng trồng để chặt hạ, xâm lấn đất rừng đặc dụng trái phép.

Nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng Vườn quốc gia Xuân Sơn, hàng loạt cây gỗ lớn, nhỏ bị chặt hạ, nằm ngổn ngang khắp nơi. Phần lớn số gỗ đã bị đối tượng phá rừng mang đi, chỉ còn lại nhưng gốc cây vẫn đang chảy nhựa.

Theo quy định, khu vực này người dân không được phép trồng cây lâm nghiệp hay khai thác các loại gỗ rừng, nhưng một số loại cây sinh trưởng ngắn ngày như keo, bồ đề, mỡ… đã mọc lên ở đây, khi đến ngày khai thác, các đối tượng tiện tay chặt hạ luôn cả những cây gỗ rừng tự nhiên.

Hàng loạt cây gỗ bị chặt hạ ở Vườn quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 1.

Phần lớn số gỗ đã bị đối tượng phá rừng mang đi, chỉ còn lại nhưng gốc cây vẫn đang chảy nhựa.

Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong số ít những vườn quốc gia có mật độ dân cư dày đặc sống trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt. Hơn 1.500 ha rừng có tới 700 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu sinh sống, chính vì vậy các vụ phá rừng từ trước đến nay đều do người dân địa phương thực hiện. Với mục đích chính là chặt hạ gỗ rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất nên nhiều cây gỗ bị sâu mọt, mục ruỗng hoặc không có giá trị cao cũng đều bị chặt hạ và vứt lại ngay tại rừng.

Rất may vụ việc đã được lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Xuân Sơn phát hiện và ngăn chặn kịp thời vào cuối tháng 3, nếu không diện tích rừng bị phá và số lượng cây gỗ bị chặt hạ sẽ còn lớn hơn nhiều.

Theo thống kê của Vườn quốc gia Xuân Sơn và trạm kiểm lâm Xuân Đài, diện tích rừng đặc dụng bị phá vào khoảng gần 1.000 m2 với hơn 30 loại cây gỗ bị chặt hạ như: hu đay, bung bét, phổi bò. Dù đây là các loại cây ưa sáng mọc nhanh, không có giá trị kinh tế cao, nhưng là cây chỉ thị sau nương rẫy, phân biệt giữa đất sản xuất và đất rừng tự nhiên, nghiêm cấm người dân không được chặt hạ, khai thác.

"Đã là cây rừng, không phải rừng trồng thì là vi phạm, dù không có giá trị kinh tế. Đất sản xuất nông nghiệp có nhu cầu rất lớn, nên việc xâm lấn đất rừng để chiếm hữu thành đất sản xuất nông lâm nghiệp đang diễn ra phổ biến và khó lường", anh Nguyễn Phong Tuyến, đội chuyên trách bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Xuân Sơn, nhận định.

Ngay khi những cây gỗ rừng bị hạ xuống, dưới đất đã nhanh chóng mọc lên những mầm cây bồ đề, mỡ, sắn. Tất cả những loại cây canh tác trái phép, xâm lấn vào đất rừng đặc dụng đã bị lực lượng chức năng tiến hành nhổ bỏ.

Hiện hồ sơ vụ việc cũng đã được chuyển giao cho Hạt kiểm lâm Tân Sơn tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo quy định của pháp luật.

Mật phục bắt quả tang 5 đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép Mật phục bắt quả tang 5 đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép

VTV.vn - Sau nhiều ngày mật phục, các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã bắt quả tang 5 đối tượng khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước